Theo dõi trên

Vụ sập cầu máng Sông Dinh 3: Do mưa lũ hay do lỗi thiết kế và thi công?

13/11/2016, 11:13

BTO - Vụ sập cầu máng Sông Dinh 3 đã được dư luận rất quan tâm và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã được mời vào cuộc trong suốt thời gian qua…

Theo báo cáo nguyên nhân và chỉ đạo khắc phục sự cố cầu máng số 3, gói thầu số 5, thuộc dự án Hồ chứa nước Sông Dinh 3, huyện Hàm Tân của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tại văn bản số 1692/SNN-XD ngày 29/6/2016, diễn biến sự cố như sau: Hạng mục cầu máng số 3 trên kênh chính Tây, thuộc gói thầu số 5, Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3, huyện Hàm Tân đã thi công cơ bản hoàn thành, thông tuyến và cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt từ mùa khô năm 2015, hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện công trình, sau đó trình cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi chủ đầu tư bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng. Theo báo cáo ngày 14/6/2016 của Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng công trình NN&PTNT  (Trung tâm Quản lý dự án) đêm 13 và ngày 14 tháng 6 năm 2016 trên địa bàn huyện Hàm Tân xảy ra mưa lớn lượng mưa đo được 108,5 mm (số liệu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), mưa lớn tạo ra lũ quét làm hư hỏng, sụp đổ một phần hạng mục cầu máng số 3, thuộc gói thầu số 5, Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3, huyện Hàm Tân. Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý dự án về sự cố và thực tế kiểm tra tại hiện trường của Sở NN&PTNT, trên tuyến cầu máng có 12 lốc với chiều dài 120 m bị lún sụp phải khắc phục, nhận định ban đầu nguyên nhân gây ra sự cố có yếu tố do mưa lớn tạo ra lũ quét làm lún sụp móng trụ cầu máng kéo theo thân cầu máng bị sụp; mặt khác có phần liên quan đến nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và tư vấn thiết kế. Thống kê thiệt hại do sự cố công trình khoảng 2,10 tỷ đồng

         

*Kết luận nguyên nhân

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Kết quả điều tra vết lũ, không xuất hiện vết lũ trên thân máng, các vết lũ phía hạ lưu cách cầu máng 30÷50 m khi truyền về vị trí cầu máng thấp hơn đáy máng 76÷88 cm. Khảo sát hiện trường cho thấy cầu máng ở đoạn bị sự cố không có dấu hiệu bị xô đẩy theo phương dòng chảy. Kết quả tính toán dòng chảy do mưa từ số liệu mưa thu thập ở trường hợp bất lợi nhất là sử dụng lượng mưa tối đa cho thấy: lưu lượng nhỏ, vận tốc nhỏ, không gây xói lở dẫn đến sự cố công trình.  Vị trí sập cầu máng không phải ở lòng suối chính. Như vậy dòng chảy lũ không ảnh hưởng nhiều đến công trình. Tuy nhiên, lượng nước mưa đổ vào cầu máng khá lớn, mực nước trong máng khi mưa 1,8÷1,85m cao hơn mực nước thiết kế 1,76 m. Qua phân tích và tính toán như trên cho thấy tác động của dòng chảy lũ trên suối do trận mưa ngày 13/6/2016 tại vị trí xây dựng cầu máng số 3 không có dấu hiệu ảnh hưởng tới sự cố công trình.

Nguyên nhân chủ quan từ đơn vị tư vấn thiết kế đó là trong các tính toán về độ bền, độ ổn định chung của công trình chưa xem xét khi công trình, kết cấu và nền của chúng làm việc trong điều kiện khai thác bất lợi nhất như: điều kiện cầu máng đồng thời chịu lực thẳng đứng và lực xô ngang, mực nước trong máng vượt mức thiết kế 1.76 m, áp lực thủy động do dòng chảy lũ trong suối tác động lên thân máng; tải trọng do lớp bùn cát lắng đọng trong cầu máng, tải trọng lực ma sát ở gối đỡ xuất hiện theo phương dọc máng tác dụng lên trụ khi thân máng bị dãn nở hay co ngót nhiệt độ thay đổi, tải trọng do lớp nước mưa trên mặt cầu máng, móng trụ bị ngập nước nhiều ngày,... Khi tính toán kết cấu trụ cầu máng đã dùng sơ đồ cột ngàm ở chân là không đúng với kết cấu trụ trong bản vẽ thiết kế là khung đơn siêu tĩnh; tải trọng tính toán khi thiết kế kết cấu trụ cầu máng chọn thiếu 50% giá trị lực thẳng đứng tác dụng vào trụ,... đã dẫn đến việc lựa chọn kích thước và kết cấu mặt cắt ngang cột trụ cầu máng không đảm bảo an toàn chịu lực. Mặc dù thiết kế đã sai sót, tuy nhiên có thể vẫn chưa phải là nguyên nhân trực tiếp làm công trình sụp đổ, bằng chứng là phần lớn các đoạn cầu máng còn lại vẫn đang an toàn.  Nguyên nhân thứ hai do chất lượng bê tông không đồng đều, có nơi, có kết cấu, chất lượng bê tông không đảm bảo thiết kế. biện pháp thi công không phù hợp, chọn vị trí tiết diện mạch ngừng thi công trong miền kết cấu có nội lực lớn nhất và khoảng thời gian giữa các đợt đổ bê tông đối với kết cấu trụ cầu máng bất lợi, gây nguy hiểm cho kết cấu.  Sự cố xảy ra trong điều kiện nhiều trụ đỡ cầu máng đã có dấu hiệu xuống cấp như: nứt, bong tróc, trám trét trước đó và thời tiết có mưa lớn đã làm gia tăng tốc độ và quy mô phá hoại công trình.

Sau khi Viện KHTLMN ra kết luận nêu trên, cả đơn vị giám sát là Trung tâm Quản lý dự án và Tư vấn xây dựng (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận) cùng đơn vị thi công là Công ty Xây lắp Cửu Long đã có các văn bản cho rằng ông Đoàn Văn Huế - Trưởng đoàn thẩm định sự cố do Viện KHTLMN cử không đủ trình độ, kinh nghiệm để thẩm định; bác bỏ kết luận bê tông không đạt chất lượng của Viện KHTLMN, bảo lưu quan điểm cầu máng bị sập do mưa lũ.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ quyết thắng' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ sập cầu máng Sông Dinh 3: Do mưa lũ hay do lỗi thiết kế và thi công?