Công nhân Công ty TNHH Hoàng Linh “tiếp tay” lâm tặc
Báo cáo kết quả vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại địa bàn xã La Dạ của Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc cho biết: Trước tình trạng phá rừng “Ông bà”, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp lực lượng bảo vệ rừng của Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Bắc và UBND xã La Dạ tổ chức mai phục tại khu vực rừng bị khai thác trái phép. Đến đêm 6/4/2016 lúc 0 giờ 30 phút, lực lượng mai phục đã phát hiện bắt quả tang 1 xe máy cày của Công ty TNHH Hoàng Linh vận chuyển 9 hộp gỗ sao có khối lượng 2,343m3. Qua điều tra vụ vi phạm, ngày 9/4/2016 Hạt Kiểm lâm phối hợp Viện Kiểm sát, Công an huyện và UBND xã La Dạ tổ chức khám nghiệm hiện trường khai thác rừng trái phép. Qua kiểm tra vị trí khu vực khai thác gỗ trái phép cách vườn cao su của Công ty Hoàng Linh về hướng Tây Nam gần nhất khoảng 100 m (Công ty Hoàng Linh là đối tác trồng cao su của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận). Tại hiện trường, tổ kiểm tra phát hiện 13 cây gỗ sao bị đốn hạ với khối lượng đo đếm ban đầu 52m3 gỗ; trong đó gỗ còn tại hiện trường 14,51m3 (chủ yếu là gỗ cành ngọn, sam bọng, phẩm chất xấu). Theo các dấu vết để lại tại hiện trường, số gỗ gần 38m3 bị lấy đi được chuyên chở bằng xe máy cày từ bãi tập kết gỗ (gần lô cao su của Công ty Hoàng Linh) ra đường đất đỏ (đường đi cách đồng Đa Lanh, La Dạ) đến khu vực dốc đá và tập kết gỗ tại đây (cũng gần lô cao su của Công ty Hoàng Linh), sau đó dùng xe tải vận chuyển ra đường ĐT 714 xã La Dạ tiêu thụ.
Hiện trường rừng bị tàn phá. Ảnh: Thanh Quang. |
Bước đầu đấu tranh, xác định đối tượng điều khiển xe máy cày vận chuyển lâm sản trái phép là Trần Văn Tâm (SN 1981, ở thôn 2, xã Đức Hạnh, Đức Linh). Đối tượng thứ hai có liên quan là Nguyễn Ngọc Thành (SN 1987, ở Mê Pu, Đức Linh), là người trực tiếp quản lý phương tiện, công nhân của Công ty Hoàng Linh đã nhận lời chở thuê và giao cho Tâm lấy máy cày Công ty Hoàng Linh để chở gỗ trái phép. Theo lời khai của Tâm và Thành, người thuê vận chuyển gỗ trái phép là ông Tâm ở thôn 4, xã La Dạ.
Rừng “Ông bà” chưa có “chủ” quản lý?
Căn cứ bản đồ hiện trạng rừng ban hành, kèm theo Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 22/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc phê duyệt kết quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 – 2020, khu vực rừng đang bị khai thác trái phép thuộc tiểu khu 200 – đối tượng rừng sản xuất do UBND xã La Dạ quản lý. Tuy nhiên do xã khó khăn trong quản lý, nên ngày 31/12/2014 UBND tỉnh đã có Quyết định 4315/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 – 2020, khu vực đang bị khai thác trái phép thuộc tiểu khu 200 – đối tượng rừng sản xuất giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi quản lý. Nhưng đến nay các cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa bàn giao ngoài thực địa cho Ban QLRPH Hàm Thuận – Đa Mi quản lý, nên thực tế UBND xã La Dạ vẫn đang quản lý diện tích rừng “Ông bà” (!?).
Trước thực trạng phá rừng La Dạ diễn ra, mới đây UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có Công văn 776 chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các xã vùng cao. Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND xã La Dạ chỉ đạo lực lượng công an, cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng “Ông bà” không để xảy ra vi phạm trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền tổ chức bàn giao thực địa rừng “Ông bà” cho Ban QLRPH Đa Mi quản lý. Đồng thời phối hợp tốt với Hạt Kiểm lâm, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện trong điều tra, xác minh đối tượng để xử lý nghiêm vụ khai thác trái phép 13 cây gỗ sao tại rừng “Ông bà”.
PHƯƠNG ĐẠI