Người quê thường chọn sống gần sông suối, không có sông suối thì người ta đào ao, đào hồ. Nhà thường làm trên bãi bồi phòng khi lũ về bất chợt và cũng để trồng rau, trồng cà; chăn nuôi gà, lợn… Bãi bồi phù sa màu mỡ nên trồng cây gì cũng xanh tốt nhất là rau cải, là thứ hầu như không thể thiếu trong bất cứ vườn nhà nào ở quê tôi bởi nó quá thân thiết với mâm cơm nơi này.
Cải non thì làm rau sống chấm mắm kho quẹt, nấu canh cũng rất ngon. Đúng tuổi thì luộc hay xào chấm mắm trứng. Còn khi đã già, đã ngồng thì muối dưa. Từ dưa, lại chế biến thành nhiều món ngon khác như: Dưa chua kho thịt ba chỉ, kho với heo quay, vịt quay; canh dưa chua thịt bò hay ốc, ếch… Om với các loại cá đồng. Đạm bạc hơn là dưa chua thái nhỏ trộn với ớt, tỏi băm nhuyễn và nước mắm chua ngọt đưa cơm vẫn cứ rào rào.
Ngày đó, muốn có hạt giống để gieo trồng cho mùa sau thì mẹ tôi phải để cây ra hoa, kết hạt. Khi trái chứa hạt đã vàng mẹ thu hái cả cây đem về phơi khô. Cây cải giống có rất nhiều hạt nên chỉ cần năm, bảy cây giống là có thể thu hàng vạn hạt rồi. Hạt giống ngâm với nước ấm rồi ủ hai đêm là nảy mầm. Gieo trên mùn rơm pha ít tro bếp và che bớt nắng để cây mầm lớn nhanh. Rau mầm ăn rất ngon, nhưng ngày đó không ai ăn chúng bởi tay làm hàm nhai còn không đủ, của đâu để hoang phí không đâu. Mẹ bảo: “Một gắp rau mầm bằng cả gánh mồ hôi tần tảo đấy con ạ. Chỉ cần tưới tắm cho nó chút đỉnh, dầm sương dãi nắng hơn chục hôm sẽ thành rổ rau to, không đổi được cân gạo thì cũng được vài ba lạng mắm”. Thương lắm người quê chân chất, tảo tần.
Đã qua rồi thời gạo châu củi quế, áo vá đụp vá chằng, cái khó bó cái khôn đã thành kỷ niệm để khi nhớ về mới thương đất nước mình, dân tộc mình nghèo mà chung thủy, đảm đang. Vượt lên chính mình bằng bàn tay, khối óc của mình.
MINH CHÂU