Cách đây vài ngày, gia đình chị Phan Thị Hồng Thạnh ở thôn Bình Nghĩa phát hiện đàn bò thiếu mất 1 con bò đực. Cả nhà chị huy động người thân, bà con lối xóm trong thôn chia nhau đi các hướng để tìm kiếm. Đến 5h sáng hôm sau, khi đến khu vực đất của gia đình anh Phạm Văn Linh, cách nơi nuôi nhốt bò của gia đình chị Thạnh 300 mét thì tìm thấy. Tuy nhiên con bò đã bị mổ lấy đi toàn bộ thịt, chỉ để lại phần đầu, bốn chân và nội tạng.
Tâm sự với chúng tôi, chị Thạnh buồn bã nói: Con bò này có người đến trả giá 30 triệu đồng rồi mà chị chưa muốn bán. Mấy ngày qua, do phải chăm sóc con trai nhập viện nên chồng của chị chỉ đến khu đất chăn nuôi gia súc của gia đình cho ăn, uống nước rồi về. Qua sự việc lần này, gia đình sẽ quan tâm đến việc gia cố thêm chuồng trại, bảo vệ tài sản của mình.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân thì cách đây khoảng 3 năm, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng mất trộm bò tương tự. Tại hiện trường, nhiều vụ kẻ trộm bắt bò ra khu đất trống, giết mổ rồi lấy 4 cặp đùi và lóc phần thịt thăn, phần đầu và bụng bỏ lại. Các vụ trộm bò đều diễn ra vào ban đêm, nơi vắng vẻ nên công tác điều tra khám phá, truy bắt đối tượng gặp nhiều khó khăn. Theo chính quyền điạ phương, việc người dân có thói quen chăn thả rông bò, hoặc có chuồng trại nhưng không bảo đảm hoặc bố trí nuôi nhốt cách xa nhà ở, không có người trông coi… đã tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp và nhanh chóng tẩu thoát.
Để ngăn chặn tình trạng trộm cắp gia súc, người chăn nuôi cần nêu cao ý thức tự bảo vệ tài sản, cảnh giác với các đối tượng lạ mặt xuất hiện ở địa phương. Khi chăn thả gia súc, cần phải có người trông giữ cẩn thận và khi có vụ việc xảy ra, hay phát hiện đối tượng khả nghi cần báo ngay cho lực lượng Công an, hoặc chính quyền địa phương biết để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý; không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Tương Lai