BT- Việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hồ bơi để phục vụ việc dạy môn bơi ở các trường đang mang lại hiệu quả thiết thực. Việc đưa môn bơi vào chương trình học là một bước đột phá của ngành giáo dục, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bị đuối nước nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những bất cập cần sự điều chỉnh kịp thời…
Nhà đầu tư “nôn nóng” thu hồi vốn
Năm học 2017 - 2018, môn bơi được đưa vào chương trình dạy học chính khóa tại các trường. Nhưng kinh phí để xây dựng hồ bơi cố định hay mua hồ bơi di động rất lớn nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi xã hội hóa việc xây hồ bơi, thực hiện “Chương trình phòng chống tai nạn và đuối nước cho học sinh, trẻ em” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có hồ bơi cung cấp dịch vụ dạy bơi cho học sinh. Địa phương ít thì 5, 7 hồ, nơi nhiều có đến hơn 10 hồ bơi cả cố định và di động.
![]() |
Hiện nay, mỗi chủ đầu tư hồ bơi thu với các mức giá khác nhau. |
Sau một thời gian hoạt động, đến nay việc thu phí học bơi ở các hồ bơi đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, vấn đề thu phí các buổi học ở hồ bơi đang gây bức xúc cho phụ huynh. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra được mức thu tiền cụ thể đối với một tiết học bơi nên xảy ra tình trạng “mỗi hồ bơi thu một mức giá khác nhau”. Thời gian gần đây, phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Chợ Lầu, huyện Bắc Bình không khỏi thắc mắc khi họ phải đóng số tiền học bơi “cao nhất tỉnh”. “Cũng học trong hồ bơi di động tại trường, cùng học lớp 8, nhưng bạn tôi ở thị trấn Lương Sơn đóng tiền học bơi cho con chưa tới 200.000 đồng/năm. Còn tại Trường THCS Chợ Lầu thì tôi phải đóng tiền học bơi cho con là 240.000 đồng/năm. Tôi thật không hiểu nhà đầu tư dựa vào cái gì mà thu phí cao như thế”, một phụ huynh có con đang học lớp 8, Trường THCS Chợ Lầu thắc mắc. Việc áp dụng mức tiền học bơi quá cao khiến nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn đến nay vẫn chưa có tiền đóng. Bức xúc, phụ huynh Trường THCS Chợ Lầu đã phản ánh đến Sở Giáo dục và Đào tạo. Lý giải việc áp dụng mức thu tiền học bơi cao với đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ đầu tư hồ bơi di động tại Trường THCS Chợ Lầu giải thích: Số tiền đầu tư hồ bơi cao nên muốn thu hồi vốn nhanh?
Không chỉ Trường THCS Chợ Lầu có mức thu cao mà ở một số địa phương khác, tình trạng mỗi chủ hồ bơi thu một mức giá khác nhau diễn ra khá phổ biến. Tại TP. Phan Thiết, mức thu phí hồ bơi có sự chênh lệch khá lớn. Tại hồ bơi Quốc Hùng, nếu tham gia học đủ cả lý thuyết và thực hành trọn gói 16 tiết thì học sinh đóng 130.000 đồng/năm. Với những học sinh ở xa, chủ đầu tư hồ bơi Quốc Hùng sẽ miễn, giảm tiền học bơi dựa vào giá hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển của các trường. Mức miễn giảm tiền học bơi sẽ tùy vào từng trường và đảm bảo học sinh không đóng quá 200.000 đồng/năm. Cũng trên địa bàn TP.Phan Thiết nhưng hồ bơi An Nhiên có mức đóng cao hơn. Theo phản ánh của một phụ huynh có con đang học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Phan Thiết thì vừa qua phụ huynh này đóng 225.000 đồng tiền học bơi của con trong một năm. Trong đó, tiền học bơi là 175.000 đồng/năm và tiền xe vận chuyển từ trường tới hồ bơi An Nhiên là 50.000 đồng/năm.
Tánh Linh có cách làm hay
Dẫn đầu toàn tỉnh hiện nay là huyện Tánh Linh với 19 hồ bơi, trong đó có 8 hồ bơi cố định và 11 hồ bơi di động được đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp, cơ bản đáp ứng công tác tổ chức giảng dạy môn bơi cho học sinh ở tất cả các trường trên địa bàn huyện. Nhưng mức đóng tiền cho mỗi buổi học bơi ở các hồ bơi có sự chênh lệch thấp nhất. Theo đó, các hồ bơi thu phí dao động từ 10.000 đồng/buổi đến 12.000 đồng/buổi. Thường một buổi học bơi kéo dài 90 phút tương đương với 2 tiết học. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo thì môn bơi với các cấp học THCS, THPT là 16 tiết. Học sinh trên địa bàn huyện Tánh Linh chỉ đóng tiền học bơi cả năm từ 80.000 - 96.000 đồng/năm.
Ở Tánh Linh, để đưa ra được mức đóng tiền học bơi cho một trường nào đó là một quy trình. Đầu tiên, chủ đầu tư liên hệ trường đặt vấn đề cung cấp dịch vụ bơi. Tại đây, chủ đầu tư phải cung cấp cho trường tổng giá trị đầu tư hồ bơi và thời gian dự kiến thu hồi vốn. Sau đó, trường sẽ họp phụ huynh từng lớp để ghi nhận số lượng học sinh có nhu cầu học bơi và giá mà phụ huynh đề nghị. Tiếp đó, Ban giám hiệu trường sẽ họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để ghi nhận ý kiến và thống nhất giá. Cuối cùng, trường sẽ xin ý kiến của UBND xã để thống nhất. Trong quá trình này, giá của các hồ bơi đã làm trước đó sẽ được đưa ra để phụ huynh tham khảo. Tùy vào vị trí trường, tình hình kinh tế xã hội mà “hội đồng” trên thống nhất về mức giá thu. Chính sự tham gia của nhiều thành phần nên mức phí học bơi của 19 hồ bơi trên địa bàn huyện Tánh Linh chênh lệch không lớn. Với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, tiền học bơi sẽ được giảm xuống còn 8.000 đồng/buổi. Như vậy học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chỉ phải đóng tiền học bơi 64.000 đồng/năm.
Cũng đầu tư hồ bơi di động, nhưng Trường THPT Nguyễn Văn Linh (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc), có thêm cách làm mới là một hồ bơi nhưng cung cấp dịch vụ cho nhiều trường. Năm 2016, Trường THPT Nguyễn Văn Linh liên hệ với Công ty Sách và Thiết bị trường học Bình Thuận đầu tư hồ bơi di động theo hình thức trả chậm 3 năm. Để thu hồi vốn đúng thời gian dự định, Trường THPT Nguyễn Văn Linh đã liên kết với Trường tiểu học Hàm Đức 1, tiểu học Hàm Đức 2 và THCS Hàm Đức để cho học sinh các trường này học bơi tại hồ bơi của trường. Chính việc cung cấp dịch vụ bơi cho học sinh nhiều trường mà chỉ 2 năm, Trường THPT Nguyễn Văn Linh đã thu hồi đủ vốn đầu tư và mức tiền học bơi cũng chỉ 100.000 đồng/học sinh/năm.
Đưa môn bơi vào chương trình học chính khóa được phụ huynh, dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đến nay ngoài vấn đề tài chính thì nhiều vấn đề khác liên quan cũng đang gây bức xúc cho phụ huynh…
Nguyễn Luân