Không ai có thể gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của dân và trở thành cầu nối giữa Đảng với dân bằng chính các chi bộ khu phố, thôn. Vì thế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường công tác phát triển đảng viên mới đảm bảo số lượng và chất lượng là mục tiêu chung mà Đảng bộ các địa phương trong tỉnh đặt ra.
Nhìn từ thực tiễn
Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ-TW công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên ở Bình Thuận cho thấy, trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên và thành lập chi bộ tại các thôn, khu phố chưa có tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên ở thôn, khu phố chưa có đảng viên của các huyện, thị, thành ủy đã đạt được những kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng giải pháp cụ thể để xóa thôn, khu phố chưa có đảng viên, chưa có tổ chức Đảng. Năm 2008, toàn tỉnh còn 131 thôn, khu phố chưa có tổ chức Đảng và 19 thôn, khu phố chưa có đảng viên thì đến cuối năm 2012, toàn tỉnh 705/705 thôn, khu phố có chi bộ Đảng, đạt tỷ lệ 100% và đến nay 691/691 thôn, khu phố có chi bộ, đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh kết quả đạt được nhằm góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, ổn định chính trị nhất là ở các thôn vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế do đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở Đảng chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong 2 năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên đối tượng ưu tú được giới thiệu hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên trong khu dân cư…
Ông Trần Văn Thế - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đa Kim (xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc) thừa nhận: Không phải chi bộ không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, kỳ sinh hoạt nào cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng khó khăn là không có nguồn. Số thanh niên có trình độ văn hóa THPT hoặc cao hơn đều đi làm ăn xa. Số ở nhà thì mải làm kinh tế, tập trung chăm sóc những cây trồng đang cho lợi nhuận kinh tế cao. Thêm nữa Đa Kim là thôn xa trung tâm xã nhất, trong khi hoạt động đoàn thể chưa sôi nổi để lôi cuốn họ tham gia, dẫn đến khó chọn nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Trong 6 đảng viên của chi bộ, thì 1 đồng chí lớn tuổi được miễn sinh hoạt, đảng viên tại chỗ chỉ có 2 đồng chí và từ năm 2018 đến nay chưa phát triển được đảng viên mới nào.
Băn khoăn, trăn trở của ông Thế cũng là nỗi niềm, lo lắng chung của nhiều bí thư chi bộ thôn, khu phố, đặc biệt là ở những vùng khó khăn trong tỉnh hiện nay. Từ việc thiếu vắng đảng viên trẻ nên ở nhiều chi bộ đảng viên già vẫn phải gánh vác các nhiệm vụ của thôn, xóm. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ lớn tuổi, muốn xin nghỉ nhưng chi bộ không tìm được người thay thế.
Đẩy mạnh phát triển đảng viên
Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 21/1/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII đã chỉ rõ: “Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng lực, sức chiến đấu ở các chi bộ Đảng cơ sở, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, nêu cao tính tự giác, tích cực lao động, học tập, tham gia các hoạt động phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực rèn luyện để phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho Đảng ủy cơ sở và có văn bản chỉ đạo, đôn đốc. Quan tâm đào tạo, mở lớp bồi dưỡng, nhất là phát triển đảng viên trong trường học góp phần hoàn thành chỉ tiêu hàng năm của huyện.
Như ở Hàm Thuận Bắc, năm 2021, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy ban hành kế hoạch giao ban các chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, thị trấn thuộc huyện. Trong đó yêu cầu bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy thể hiện đúng vai trò là hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao ở từng cơ quan, đơn vị và thôn, khu phố. Thông qua giao ban, phát huy, nhân rộng những tổ chức Đảng làm tốt, khắc phục kịp thời hạn chế, tồn tại, từ đó đề ra giải pháp chung thực hiện trong thời gian tới.
Hàng năm, BTV Huyện ủy thành lập các tổ công tác gồm các đồng chí ở các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy do đồng chí Ủy viên Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng tiến hành giao ban theo cụm xã, thị trấn để nắm bắt tình hình hoạt động của các chi bộ gồm các vấn đề về thực hiện quy trình sinh hoạt chi bộ, công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên, phân công nhiệm vụ và quản lý đảng viên...
Còn ở Hàm Tân, BTV Huyện ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh các tổ chức Đảng nghiêm túc thực hiện nội dung, quy trình sinh hoạt trong các loại hình chi bộ theo hướng dẫn của cấp trên. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, chi ủy chuẩn bị trước các nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết. Nội dung, quy trình sinh hoạt được thực hiện đảm bảo theo hướng dẫn, tạo không khí cởi mở để các đảng viên tham gia phát biểu ý kiến góp ý vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, đưa ra những nhiệm vụ trong thời gian đến và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên thực hiện. Nội dung được triển khai trong cuộc họp được ghi chép đầy đủ, trung thực vào biên bản sinh hoạt chi bộ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở khu dân cư, nhiều địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo tích cực chủ động phát hiện, vận động, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, theo tinh thần “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đảng cho các đối tượng thì đặc biệt quan tâm, gần gũi với gia đình có lao động trẻ, gia đình có con đang theo học phổ thông tạo điều kiện hướng dẫn vay vốn lập nghiệp ở địa phương. Củng cố các tổ chức đoàn thể và đẩy mạnh phong trào thi đua ở cơ sở, từ đó dễ dàng hơn trong lựa chọn nhân tố bồi dưỡng trở thành đảng viên cốt cán phong trào cơ sở.
Cũng nhờ áp dụng giải pháp “nuôi dưỡng” nguồn, sau nhiều năm không phát triển được đảng viên tại chỗ, đến tháng 7/2022, Chi bộ thôn Lò To đã kết nạp được 1 đảng viên phụ trách chi hội phụ nữ thôn và đang chờ quyết định công nhận thêm một đảng viên là công an viên thôn. Đây là sự nỗ lực, cố gắng lớn của chi bộ trong thời điểm hiện nay.
“Cả hai đều đang ở tuổi đoàn viên. Đây sẽ là thế hệ kế cận, bước đệm quan trọng để xây dựng chi bộ vững mạnh trong những năm tiếp theo, góp phần từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Huỳnh Thúc Danh - Bí thư Chi bộ thôn Lò To cho biết.
Bằng nhiều chủ trương, giải pháp linh hoạt trong triển khai thực hiện được các địa phương đưa ra, hy vọng trong thời gian tới công tác phát triển Đảng, giữ chân đảng viên, cũng như chất lượng tổ chức Đảng ở cơ sở được nâng lên. Qua đó phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
Năm 2021 trong số 2.030 đảng viên kết nạp mới trên toàn tỉnh, thì đa số là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… chỉ 253 đảng viên hoạt động không chuyên trách thôn, dân phố và 40 đảng viên làm nông, lâm, ngư nghiệp.