Theo dõi trên

Xây dựng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia

18/10/2022, 05:30

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận đã thể hiện vai trò là lực lượng then chốt trong xây dựng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Công an tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân nhằm phục vụ hiệu quả quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cải cách hành chính.

b3.jpg

Xác định việc hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử và mã định danh điện tử cho toàn bộ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là tiền đề, yếu tố then chốt trong việc triển khai thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh... Thời gian qua Công an tỉnh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác cấp thẻ CCCD và định danh điện tử trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn triển khai thực hiện 2 dự án đó là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) và sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Theo đó, Công an tỉnh đã chủ động khẩn trương ban hành các kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai thực hiện 2 dự án để chỉ đạo đơn vị chức năng, công an các địa phương triển khai thực hiện. Phát động phong trào thi đua thực hiện “Chiến dịch ngày và đêm cấp CCCD”, đồng thời ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thu nhận hồ sơ CCCD, cấp tài khoản định danh điện tử cho tất cả công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đủ điều kiện hiện đang cư trú trên địa bàn theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức thu thập, kiểm tra phúc tra, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân vào CSDLQG về DC. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo thông tin công dân được cập nhật vào CSDLQG về DC luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Từ kết quả đó, đến cuối tháng 7/2022 đã tổ chức cấp được 1.083.994/1.164.649 nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn (đạt 93,07%), trong đó hồ sơ CCCD kèm cấp tài khoản định danh điện tử là 22.151 trường hợp và cấp tài khoản định danh điện tử cho 11.814 trường hợp đã có CCCD. Đã đồng bộ 448.431 CCCD với dữ liệu bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng CCCD gắn chíp điện tử khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT. Với những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ công an toàn tỉnh trong triển khai thực hiện 2 dự án này, Công an tỉnh Bình Thuận được đánh giá là 1 trong 28 công an địa phương hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu 2 dự án của Bộ Công an. Trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực, tích cực, tập trung lực lượng, phương tiện của lực lượng công an toàn tỉnh, nhất là lực lượng cảnh sát quản lý hành chính, công an các xã, phường, thị trấn rất cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Có như vậy Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 mới hoàn thành theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 59 ngày 5/9/2022 về định danh và xác thực điện tử. Để triển khai hiệu quả các nội dung của nghị định nêu trên, đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương phải chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử. Từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Đối với người nước ngoài, có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế... Từ đó, để các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân có nhận thức tích cực, đồng thuận giúp đỡ các cơ quan chức năng, lực lượng công an có điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cấp CCCD gắn chíp và định danh điện tử. Các địa phương, đơn vị chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn tổ chức cấp CCCD gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị gương mẫu thực hiện…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Làm sao để chuyển đổi số thành công?
BTO-Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số chính là tư duy và nhận thức của chính mỗi người. Nếu tư duy và nhận thức của từng cá nhân không thay đổi thì không thể có chuyển đổi số.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia