Cú “hích” sau đại dịch Covid-19
Trước đây, để mỗi chuyến du lịch được thuận lợi, gia đình chị Hoàng Anh Thơ (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) thường phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về các địa điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng, phương tiện đi lại… Tình trạng này đã gây mất nhiều thời gian và công sức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hứng thú, tâm lý của mỗi thành viên trong gia đình.
Thế nhưng hiện nay, với sự xuất hiện của chuyển đổi số, đã giúp cho gia đình chị Thơ nắm bắt thông tin và dịch vụ của các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. “Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các giao dịch, chi tiết thông tin về địa điểm đến được các cơ sở du lịch công bố rõ ràng. Không những vậy, những trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch, chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông minh đã giúp cho tôi tiết kiệm thời gian và lựa chọn địa điểm đến mọi lúc mọi nơi”, chị Thơ chia sẻ.
Sau đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Nhớ lại thời điểm đó, ngành du lịch gần như bị “đóng băng” hoàn toàn. Bước ra khỏi đại dịch, mọi thói quen, hành vi của du khách hầu như đã có sự thay đổi. Lúc này, khách hàng e dè với những tiếp xúc trực tiếp và đã ưu tiên tìm hiểu, đặt mua tour qua các các kênh điện tử. Chính vì lẽ đó, thay đổi, nỗ lực chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng internet trong quản lý phục vụ khách hàng là ưu tiên số một của các doanh nghiệp du lịch.
“Qua thời gian đại dịch, để tiếp cận được với khách hàng chúng tôi đã tận dụng những ưu thế của công nghệ, quan tâm đầu tư chăm chút về hình ảnh cũng như sản phẩm. Ngoài ra, các hoạt động quảng bá du lịch thông qua các hội chợ trực tuyến, sàn thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh... được chúng tôi quan tâm. Do đó đã góp phần mang lại nhiều tiện ích cho du khách”, một doanh nghiệp du lịch cho biết.
Có thể nói, trước đó cũng đã có nhiều doanh nghiệp du lịch tiên phong trong ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 càng khẳng định tính ưu việt của nó, khi mà thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, website… để tìm kiếm sản phẩm du lịch, giá phòng khách sạn, phương tiện đi lại... của người dân, du khách hiện nay khá phổ biến.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Bình Thuận là một trong những tỉnh đã được lọt vào tốp 10 của du lịch Việt Nam và là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. Do đó, du lịch Bình Thuận phải từng bước phấn đấu để hiện đại, để văn minh và để hòa vào dòng chảy công nghệ mới. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm nhiều vấn đề, trong đó là vấn đề phải thiết lập cho được Cổng thông tin du lịch thông minh, các sàn giao dịch điện tử và đặc biệt là các ứng dụng trên các trang mạng để phát triển du lịch”, ông Nhân chia sẻ.
Theo đó, thời gian qua, ngành du lịch Bình Thuận đã phát triển đồng loạt hệ sinh thái truyền thông trực tuyến gồm website, facebook, instagram, youtube… Từ đó, các hoạt động du lịch trực tuyến, không gian trải nghiệm du lịch thực tế ảo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu, tăng cường trải nghiệm cho du khách và cải thiện môi trường du lịch. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, tỉnh đã triển khai lắp đặt bộ mã QR (mã phản hồi nhanh) thông tin tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Đến nay, tỉnh triển khai lắp đặt bộ mã QR code tại 11 điểm tham quan. Tại các điểm này, khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại hoặc các thiết bị thông minh quét mã QR sẽ được chỉ dẫn đến đường link website chính thống của ngành du lịch. Ông Trần Ngọc Châu, du khách đến từ Bình Phước cho biết, tất cả nội dung thông tin, hình ảnh và video clip giới thiệu về điểm đến đều được hiển thị. Việc quét mã QR tại các điểm tham quan rất tiện ích. Khi có những thông tin ban đầu, ông dễ nắm bắt và chủ động hơn trong chuyến tham quan.
Ngoài ra, Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bình Thuận với tên miền https://muinevietnam.vn/... và App binhthuantourism dành cho thiết bị di động cũng đã được thiết lập. Hay Sàn Thương mại du lịch Bình Thuận có địa chỉ là: travelbook.vn/binh thuan… Những ứng dụng tiện ích này sẽ giúp du khách dễ dàng và tiện lợi nhất trong quá trình đi du lịch.
Song, theo nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, việc chuyển đổi số cũng gặp không ít những khó khăn như về tài chính, nguồn vốn cạn kiệt sau ảnh hưởng của đại dịch; phần đông đội ngũ nhân sự chưa tiếp cận và vận hành được công nghệ… Tuy nhiên, để bắt nhịp xu hướng thời đại số, tạo tiền đề cho bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng thì ngành du lịch vẫn đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số với quyết tâm cao, để thu hút du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế… Đồng thời, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) về việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.