Đặc biệt trong 2 năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Bình Thuận đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của dịch Covid - 19. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chương trình và tập trung chỉ đạo sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ gắn với thực hiện một số giải pháp cấp bách. Qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh, xã hội cũng như xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn... Trong khi đó, các hiệp hội ngành nghề tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền để kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước. Nhất là thông qua các buổi gặp mặt, làm việc trực tiếp của lãnh đạo UBND tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư được tổ chức định kỳ hàng tháng đã làm rõ những vấn đề vướng mắc, sớm đưa ra hướng giải quyết hợp lý và hiệu quả.
Qua 3 quý đầu năm nay, dù tình hình chưa hết khó khăn nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Thuận vẫn duy trì hoạt động, công tác phát triển hội viên mới được quan tâm với số lượng nâng lên đến nay là hơn 100 hội viên. Tới đây, hiệp hội tiếp tục thực hiện chương trình “Hội viên ưu tiên sử dụng dịch vụ - hàng hóa của hội viên”, tích cực hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp hội viên…
Tại địa phương, Hội Doanh nhân trẻ hiện có 150 doanh nghiệp hội viên tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. Ông Huỳnh Ngọc Chín - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận cho biết: Với khẩu hiệu “Tiên phong đổi mới - Vững vàng hội nhập”, Hội đã triển khai có hiệu quả các chương trình hành động, phong trào thi đua. Nhờ đó góp phần hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, tăng cường mối quan hệ với cơ quan hoạch định chính sách, các sở ngành và chính quyền các cấp.
Với Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã phối hợp tổ chức thành công nhiều đợt kích cầu du lịch trong giai đoạn bình thường mới, giúp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch nội địa gắn với đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả. Trong thời gian này, Hiệp hội Du lịch cũng kết nạp thêm nhiều hội viên mới mà đa số là những doanh nghiệp lớn có thương hiệu như: Centara, Allezboo, Làng Thụy Sĩ, Phú Hải, Kim Cương, Le Viva… Bên cạnh lượng khách nội địa dần ổn định trở lại, hiện toàn ngành tập trung hướng tới khai thác thị trường nước ngoài thời hậu đại dịch Covid - 19, trước mắt là trong mùa cao điểm đón khách quốc tế đến Bình Thuận nghỉ dưỡng kết hợp tránh đông cuối năm 2022.
Giữa năm nay, địa phương đã tổ chức Hội nghị “Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Thuận năm 2021 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022”. Kết quả cho thấy, Chỉ số PCI năm 2021 của Bình Thuận tăng 13 bậc và đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố, thuộc “nhóm khá” của cả nước. Điều này ghi nhận nỗ lực của Bình Thuận đối với quyết tâm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là sự năng động của lãnh đạo UBND tỉnh và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Không chỉ nỗ lực vượt khó trong sản xuất - kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Bình Thuận còn thể hiện trách nhiệm với địa phương thông qua các hoạt động xã hội từ thiện. Như Hiệp hội Doanh nghiệp Bình Thuận, nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 đã trao tặng 20 bộ máy vi tính cho Trường tiểu học và THCS Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc (mỗi trường 10 bộ máy). Được biết, thực hiện chương trình trao tặng máy vi tính cho các trường học thuộc những xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay Hiệp hội Doanh nghiệp tiến hành trao tặng 164 máy vi tính (ước trị giá gần 1,3 tỷ đồng) cho 13 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh…