Theo dõi trên

Xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa

28/07/2020, 09:19

BT- Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện để cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa hoàn thành tốt trách nhiệm đối với gia đình, góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH)  đất nước và xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng phát triển vững mạnh. 

                
      LĐLĐ tỉnh thăm nữ đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo.

 Quan tâm tuyên truyền

Xác định Nhà nước và xã hội có trách nhiệm chăm lo, bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình, hàng năm các công đoàn cơ sở trong tỉnh đều phổ biến, tuyên truyền cho đoàn viên đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa và lấy đó làm tiêu chí để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đánh giá, khen thưởng cuối năm. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh tổ chức từ 1 - 2 lớp chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CNVCLĐ. Riêng năm 2019 đã cụ thể hóa Đề án 404, Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức mở 3 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; phương pháp dạy con phòng, tránh nguy cơ bị xâm hại và giúp con sử dụng internet an toàn; tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về giới, bình đẳng giới cho cán bộ công đoàn và cán bộ phụ trách công tác nữ công.

Việc giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ và đội ngũ cán bộ công đoàn trong công tác gia đình còn được lồng ghép vào các đợt tổ chức sinh hoạt Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, dưới hình thức tọa đàm, thi hái hoa, sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề “Xây dựng văn hóa gia đình hiện nay, thực trạng và giải pháp”; kỹ năng làm cha mẹ; kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và với cộng đồng; gia đình trẻ hạnh phúc; làm sao để chăm sóc người cao tuổi tốt…

Ngoài ra, còn tuyên truyền cổ động bằng các khẩu hiệu, băng rôn trước cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm giáo dục về công tác phụ nữ, giới và bình đẳng giới làm thay đổi quan điểm, suy nghĩ trọng nam khinh nữ, bạo hành, phòng chống bạo lực gia đình. Tích cực vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn minh, có lòng nhân hậu, xây dựng gia đình vợ chồng bình đẳng, tôn trọng nhau, không có hành vi bạo lực, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đối xử công bằng giữa các con, có tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng dân cư nơi mình sống… Từ đó góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc gắn với xây dựng gia đình văn hóa.

 Hỗ trợ bằng vật chất và tinh thần

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh: Từ khi được quán triệt Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” thì đội ngũ nam giới trong các tổ chức công đoàn sống có trách nhiệm với gia đình hơn, biết chia sẻ khó khăn với mọi người trong gia đình. Cụ thể các anh biết nấu ăn, phụ giúp việc nhà, dạy dỗ con cái khi vợ bận công việc. Rất nhiều cán bộ, đoàn viên và người lao động không những hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn biết làm kinh tế phụ để tăng thu nhập cho gia đình, làm giàu cho xã hội. Rõ nhất ở huyện Đức Linh, Tánh Linh nhiều đoàn viên có rẫy cao su, quán cà phê sân vườn. Ở huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc nhiều đoàn viên có vườn thanh long, chăn nuôi và buôn bán...

Đặc biệt là đa số công đoàn cơ sở đã cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền thành những việc làm cụ thể. Đó là từ năm 2014 – 2019, LĐLĐ Tuy Phong triển khai mô hình “Mỗi cơ sở giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc người khuyết tật”. Công ty TNHH May Thuận Tiến thuộc Công đoàn Các Khu công nghiệp trang bị phòng vắt trữ sữa cho nữ đoàn viên và hỗ trợ một phần kinh phí cho CNLĐ có con dưới 6 tuổi. Công đoàn Công ty TNHH May Phú Long xây dựng nhà giữ trẻ cho con công nhân và cuối năm thưởng thêm từ 2 - 3 tháng lương.

Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp công đoàn còn đóng góp vào quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” (nay là Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo”). Đến nay có 6.822 lượt chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay, với tổng số tiền gần 5,7 tỷ đồng. Quỹ “Mái ấm công đoàn” (nay là chương trình “Mái ấm công đoàn”), hỗ trợ xây dựng 156 căn nhà cho nữ CNVCLĐ. Bên cạnh đó các tổ, nhóm tiết kiệm được duy trì và ngày càng phát triển tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho gia đình CNVCLĐ.

Những kết quả trên cho thấy công tác giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp công đoàn đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đoàn viên. Điều kiện sống và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Thời điểm này, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt triển khai. Thực tế cho thấy công việc này là rất khó, nhưng khó mấy cũng phải thực hiện cho bằng được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa