Theo dõi trên

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp vì dân phục vụ. Bài 2

01/06/2023, 05:30

Bài 2: Tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo phân tích, đánh giá chỉ số CCHC (PAR Index); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2022 diễn ra mới đây; Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh sẽ kiên quyết điều động, điều chuyển vị trí công tác, kể cả lãnh đạo đến chuyên viên ở những nơi làm việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, nhũng nhiễu, phiền hà...

Người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2022, Chỉ số PAR Index của tỉnh xếp thứ 60/63 tỉnh, thành; giảm 4 bậc so năm 2021. Chỉ số SIPAS xếp thứ 63/63 tỉnh, thành; giảm 2 bậc so năm 2021. Chỉ số PAPI xếp thứ 7/63 tỉnh, thành; tăng 5 bậc so năm 2021. Mặc dù hàng năm tỉnh đã ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC theo chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, Chỉ số PAR Index, SIPAS giảm qua các năm; cá biệt có chỉ số SIPAS xếp thứ 63/63 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác CCHC; việc hướng dẫn, công khai minh bạch thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho người dân, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn còn thấp; tiến độ thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh còn chậm...

21.jpg
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công. Ảnh: N.Lân

Đối với Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Năm 2022, việc khảo sát độc lập do Bộ Nội vụ phối hợp Bưu điện tỉnh trực tiếp phát phiếu đến nhà người dân với tổng số phiếu khảo sát là 486 phiếu tại một số thôn, khu phố trên địa bàn các huyện, thành phố gồm: Phan Thiết, Đức Linh, Phú Quý. Qua khảo sát các tiêu chí về mức độ hài lòng của người dân đối với một số tiêu chí trong Chỉ số SIPAS đều xếp hạng gần cuối của cả nước. Đơn cử, tiêu chí hài lòng về tiếp cận dịch vụ xếp thứ 61/63 tỉnh, thành; hài lòng đối với TTHC xếp thứ 62/63 tỉnh, thành; hài lòng đối với công chức xếp thứ 62/63 tỉnh, thành; hài lòng đối với việc cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị xếp thứ 63/63 tỉnh, thành...

22.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến phân tích đánh giá các chỉ số CCHC mới đây. 

Chưa phát huy vai trò người đứng đầu

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, mức độ CCHC, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp của tỉnh trong nhiều năm liền bị xếp thứ hạng rất thấp, có chỉ số luôn ở vị trí cuối bảng xếp hạng của cả nước. Các cấp, các ngành chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác CCHC, kết quả còn nhiều hạn chế. Việc hướng dẫn, công khai minh bạch TTHC chưa thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn còn thấp. Bên cạnh đó, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chưa khắc phục được tâm lý e ngại, chờ đợi, đùn đẩy trong giải quyết công vụ, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, tiến độ thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC của tỉnh chậm, kết quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, một trong những nguyên nhân đầu tiên và quyết định đến những tồn tại, hạn chế nêu trên phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương vẫn chưa quyết liệt, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện làm việc cầm chừng, thiếu cố gắng, quyết tâm trong công việc, sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác. Từ đó, dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giải pháp đột phá

Lưu ý trong giai đoạn hiện nay tỉnh đang đứng trước những cơ hội rất rõ ràng, nhất là hệ thống giao thông như tuyến cao tốc, sân bay, cảng biển, đường ven biển đã và đang được đầu tư, hoàn thiện, đưa vào khai thác. Đây chính là “thời điểm vàng” tỉnh để cất cánh, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp trong tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số xếp hạng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp, các ngành. Người đứng đầu chịu trách nhiệm kết quả thực hiện CCHC của địa phương, đơn vị mình. “Đề nghị chúng ta phải nỗ lực tạo chuyển biến trên thực tế, mục đích không chỉ để cải thiện các chỉ số xếp hạng mà điều quan trọng hơn cả là phải bằng sự hài lòng thật sự của cộng đồng doanh nghiệp và người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cùng với đó, chủ động nghiên cứu và thực hiện các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC. Tích cực triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, kịp thời đề xuất sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng... Trong năm 2023 sẵn sàng cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình để tổ chức, cá nhân thực hiện khi có nhu cầu.

Song song, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm việc đưa kết quả đánh giá, xếp loại về CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương vào tiêu chí đánh giá, xếp loại của các tập thể, tổ chức Đảng hàng năm. Kiểm điểm, phê bình trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chậm triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ có liên quan cải cách hành chính được UBND tỉnh giao. Kiên quyết điều động, điều chuyển vị trí công tác, kể cả lãnh đạo đến chuyên viên ở những nơi làm việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, nhũng nhiễu, phiền hà...

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và các cấp chính quyền cần tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai... Cùng với đó, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp, phải luôn coi thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh.

Bài 1: “Giải mã” sự chưa hài lòng của người dân

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015: Nâng cao cải cách hành chính cấp xã
Việc áp dụng thành thạo hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 vào giải quyết công việc, hồ sơ hàng ngày tại UBND cấp xã, giúp cho người đứng đầu UBND cùng cấp kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân, góp phần cải cách hành chính.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp vì dân phục vụ. Bài 2