Đường vào các khu sản xuất cần đầu tư tạo thuận lợi phục vụ cho HTX nông nghiệp. |
Tại địa bàn xã Tân Hải (thị xã La Gi), do tác động biến đổi khí hậu nên những năm qua đã xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn khoảng 500 ha đất trồng thanh long của 1.500 hộ dân thuộc địa bàn La Gi và huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có HTX Thanh long Hiệp Thuận. Dù người dân kiến nghị nhiều lần và UBND tỉnh cũng xem xét ghi nhận, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa cân đối được nguồn vốn để xây dựng Hệ thống đập ngăn mặn Sông Phan tại xã Tân Hải, thị xã La Gi vì ngân sách đang gặp khó. Do vậy Bình Thuận mong được sớm đầu tư công trình này với tổng kinh phí khoảng 25.000 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 20.000 triệu đồng và ngân sách tỉnh là 5.000 triệu đồng). Khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng mục tiêu ngăn chặn nước biển dâng, chống xâm nhập mặn và tích nước tưới phục vụ hai vùng sản xuất thanh long của thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam. Qua đó có cơ hội mở rộng quy mô diện tích sản xuất của HTX Thanh long Hiệp Thuận lên khoảng 300 ha, đồng thời tạo chuỗi giá trị bền vững đối với cây trồng chủ lực trên địa bàn…
Trong khi đó, “Đường vào khu sản xuất HTX Thanh Bình tại huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam” là một hợp phần hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho HTX Thanh Bình. Được biết đây là HTX thuộc Dự án phát triển Hợp tác xã Việt Nam của Tổ chức Socodevi (Canada), hiện đang xây dựng chuỗi giá trị cao cho sản phẩm thanh long với quy mô khoảng 300 thành viên ở 9 xã trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc… Với hiện trạng là tuyến đường đất có bề rộng mặt từ 1,5 - 2 m và bùn lầy vào mùa mưa, nên việc vận chuyển nông sản từ nơi sản xuất về HTX gặp rất nhiều khó khăn vì chủ yếu chỉ dùng phương tiện xe máy. Do vậy địa phương đã đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét thực hiện công trình với kinh phí dự kiến là 37.000 triệu USD (ngân sách Trung ương hỗ trợ 30.000 triệu đồng, còn lại 7.000 triệu đồng từ ngân sách tỉnh). Bởi công trình này không những góp phần bảo đảm phát triển thành công HTX Thanh Bình theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, mà còn tạo tuyến giao thông thuận lợi vào khu sản xuất của người dân với tổng diện tích lên đến 5.000 ha.
Cần hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện trên địa bàn tỉnh còn có mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết với các HTX sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại huyện Tánh Linh. Vì vậy mới đây, địa phương tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư hỗ trợ thêm 8.800 triệu đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư công trình đường giao thông vào khu sản xuất HTX Dịch vụ Gia An, Đức Phú và Đồng Kho. Nếu được đầu tư với kinh phí 11.000 triệu đồng (trong đó ngân sách tỉnh là 2.200 triệu đồng), tuyến đường giao thông nội đồng có tổng chiều dài 8,2 km sẽ góp phần phục vụ sản xuất tích cực cho hơn 1.000 ha lúa cánh đồng nơi đây…
Đ.QUỐC