Tuy nhiên, phía sau đó, từ cành nhánh thanh long, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật cho đến bóng đèn chong thanh long thải ra được xử lý như thế nào là câu chuyện dài mà các xã trên địa bàn huyện phải giải quyết theo những yêu cầu, quy định cụ thể tại tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Nói chung, đó là hành trình tác động vào nhận thức của toàn thể người dân trên địa bàn để cùng chung tay thực hiện đạt kết quả tốt. Thế nhưng, ý thức của mỗi người khác nhau, lại còn lệ thuộc vào thói quen “thoải mái” ở vùng nông thôn đất rộng nên đâu thể đi vào quy củ trong một sớm một chiều. “Nếu ở vùng trồng lúa…thì ít áp lực hơn vùng trồng thanh long, loài cây chăm sóc thường xuyên, cầu kỳ để cho trái tốt nên rác các loại thải ra cũng nhiều. Thế nên rất khó, rất cần nhiều thời gian để thay đổi” - Đó là chia sẻ của cán bộ ở các xã trong huyện.
Nếu trước kia tất cả đồ phế thải đổ chung thành đống, có người còn tiện tay đụng đâu quăng đó, thường là quăng ra suối, ra sông thì nay đã có sự thay đổi. Các phụ phẩm nông nghiệp cũng đã được thu gom, chất thành đống (đối với thân, cành), sử dụng các chế phẩm sinh học để hỗ trợ việc tạo nhanh hoai mục và tơi xốp đất cho vườn cây. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật được hộ gia đình thu gom và tiêu huỷ bằng phương pháp đốt. Chai lọ cũng đã để đúng chỗ. Khó hơn hết là bóng điện chong thanh long thải ra, nhất là việc chuyển đổi các loại bóng điện từ dây tóc, compact rồi led trên địa bàn huyện cũng rất rầm rộ thì ở nhiều nơi trong huyện, có những hộ dân ở gần nhau cũng đã cùng làm hố đựng đồ phế thải này bằng ống bi giếng nước. Cái chính để gọn gàng, tránh xảy ra tai nạn trong quá trình làm vườn và cũng không gây thẩm thấu xuống đất theo thời gian. Còn về lâu dài, khi hố đầy bóng điện thì khi ấy tính tiếp.
2.Đó là những điểm sáng, ứng xử văn minh với rác thải trên địa bàn huyện mà phải ghi nhận là đã được củng cố, lan tỏa ra trong quá trình các xã xây dựng nông thôn mới. Nhưng với xã nông thôn mới nâng cao, yêu cầu trên còn cao hơn, chặt chẽ hơn. Đó là nguyên nhân mà Hàm Cường, xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023, đến thời điểm này đã đạt chuẩn hầu hết các tiêu chí, nhưng riêng tiêu chí 17 thì chưa, cụ thể là ở các tiểu tiêu chí liên quan đến rác thải và hướng xử lý theo đúng quy định đặt ra.
Báo cáo của UBND xã Hàm Cường cho thấy, với chất thải rắn (CTR) sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định phải trên 85%. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, tổng số hộ đăng ký thu gom chỉ có 625/2501 hộ toàn xã, tức chỉ 25%, trong khi theo tính toán CTR không nguy hại phát sinh trên địa bàn xã là 0,5kg/1người/1ngày, được thu gom chung với rác sinh hoạt. Còn với tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn phải đạt 50% thì mới chỉ có 769/2501 hộ đăng ký đạt 30,75%. Riêng CTR nguy hại, nhất là từ nông nghiệp gồm bóng đèn thuỷ tinh, bao bì thuốc BVTV, diệt cỏ…trên địa bàn xã trung bình mỗi ha phát sinh 3kg/năm.Xã có 3029 ha diện tích gieo trồng, tương đương phát sinh khoảng 9000kg/năm. Trong tháng 9/2023, xã chọn thí điểm mô hình: “Tổ thu gom bao bì thuốc BVTV”, thực hiện thu gom thí điểm 289 hộ VietGAP với 700ha diện tích và tuyến cánh đồng lúa với diện tích 210ha, mới đạt 30,1%, trong khi yêu cầu phải đạt 100%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường, theo quy định phải trên 80% thì xã đã thực hiện cơ bản. Như đã có triển khai mô hình điểm Compost ở tổ VIETGAP HTX Thanh Long Phú Cường. Đã thu gom xử lý, tái sử dụng phụ phẩm của gần 2547 ha đất trồng cây lâu năm, của 817 ha đất gieo trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, riêng tỷ lệ hộ gia đình, trang trại áp dụng các biện pháp tái sử dụng và tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thì chỉ mới đạt 11.6%, tương ứng với 290/2501 hộ gia đình toàn xã, trong khi yêu cầu trên 80%. Vì vậy, từ đây đến cuối năm, Hàm Cường phải nỗ lực nhiều để người dân cùng tham gia thì mới có thể về đích nông thôn mới nâng cao.
Trên các cánh đồng, vùng trồng cây lâu năm, UBND xã Hàm Cường đều bố trí các bể chứa rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất của nông dân như bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Một hình ảnh cho thấy sự quy củ đến từng chi tiết của xã nông thôn mới nâng cao nhưng qua đó cũng nhận ra trong thế mạnh vùng thanh long có rắc rối từ rác…