Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Thuận Quý còn 9 hộ nghèo

16/11/2023, 05:12

Ở đâu người dân vùng biển với thu nhập bấp bênh theo từng chuyến biển, nên tỷ lệ người nghèo thường cao nhưng ở đây lại không rơi vào cảnh ấy. Thôn Thuận Thành chỉ có 4 hộ nghèo trong tổng số 220 hộ/993 khẩu.

1. Đầu tháng 11 dương lịch, những vườn thanh long ở thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam tươi mơn mởn đã sẵn sàng cho mùa trái bán dịp tết. Bên cạnh còn có những vườn thanh long mới trồng, dây đang bám trụ, dây leo qua đầu trụ hoặc mới ra trái chiến. Nhìn dây và trái là biết giống thanh long ruột đỏ hoặc tím hồng, chứ không phải ruột trắng truyền thống lâu nay. Hình ảnh vườn thanh long mới trồng này có lẽ chỉ xuất hiện ở đây hoặc ở đâu đó trong huyện Hàm Thuận Nam, chứ tuyệt nhiên không có ở các huyện khác. Vì sau bao biến cố thị trường mà nặng nhất là năm 2022, nhiều vùng chuyên canh thanh long ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc đã bị chặt phá, người trồng không dám và không có vốn để trồng lại, dù qua năm 2023, thị trường thanh long đã bình thường và có lúc được giá cao.

thuan-quy.jpg
Đời sống của người dân Thuận Quý ngày càng tốt hơn. Ảnh: Ngọc Lân

Như mấy ngày qua, giá thanh long chong điện được 14.000 đồng, mức giá có lời. Anh Nguyễn Văn Vũ, ở thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý tránh trả lời câu hỏi thu nhập bao nhiêu từ đầu năm đến nay nhưng anh bảo đang nỗ lực chăm sóc để bán hàng dịp tết dương lịch, hy vọng được giá cao hơn. Nhờ vườn ở gần nguồn nước Suối Nhum cộng thêm hợp thổ nhưỡng, khí hậu và sản xuất theo chuẩn VietGAP nên vườn cây mạnh khỏe, ít bị sâu bệnh. Nhờ vậy, cho trái có chất lượng đạt chuẩn yêu cầu của bên mua.

Không chỉ vườn anh Vũ, cả vùng thanh long rộng khoảng 300 ha ở thôn này đều rất sung sức. Vì vậy, cũng hiểu hơn vì sao nhiều nhà vườn ở đây bán được thanh long với giá cao hơn so với mặt bằng giá chung. Thực tế, chính những căn biệt thự rộng lớn, đẹp lộng lẫy giữa những vùng thanh long ở xã đều được xây dựng từ nguồn thu từ thanh long là bằng chứng thuyết phục nhất. Điều đáng chú ý, kết quả ấy là nhờ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và luôn nỗ lực duy trì, ngay cả lúc giá thanh long xuống thấp kéo dài cả năm trời. Phải ghi nhận rằng, qua tuyên truyền, tập huấn của chính quyền và trên địa bàn xã có 2 HTX thanh long đều có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trái thanh long theo các hợp đồng nên đã củng cố, lan tỏa cách thức sản xuất cho sản phẩm sạch. Trong đó, Hợp tác xã Thanh long Thuận Quý có thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái thanh long và gắn với vùng nguyên liệu được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap.

2. Ở trên bờ thì thế, còn ở thôn phía biển của xã, người dân cũng có thu nhập tốt từ đánh bắt hải sản ngoài biển và nuôi trồng cũng như chuỗi dịch vụ có liên quan. Ở xã có Hội cộng đồng Sò lông xã Thuận Quý được thành lập theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sau gần 5 năm hoạt động nên Hội đã đi vào quy củ, có thu chi rõ ràng. Nhưng hội đang quan tâm vấn nạn giã cào bay vào vùng biển đã được giao quản lý bảo vệ để đánh bắt hay nói cách khác là tàu trộm hải sản đang khoanh nuôi ngoài biển nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả nhất. Thực tế, mấy năm qua, lực lượng kiểm ngư đã hỗ trợ Hội trong kiểm soát vùng biển, xử phạt nhưng cũng xảy ra tình trạng tàu giã cào bay chạy thoát.

thuan-quy-1.jpg
Vườn thanh long ở Thuận Quý. Ảnh: Ngọc Lân

Dù có vướng mắc ấy nhưng những hoạt động của Hội cộng đồng Sò lông xã Thuận Quý đã giúp vùng biển xã này nhộn nhịp, thu hút lao động trên bờ xuống, nhất là trong năm ngoái, khi thanh long không bán được. Thêm nữa, những khu du lịch ven biển Thuận Quý cùng các dịch vụ kéo theo cũng tạo công việc làm và thu nhập cho người dân tại chỗ. Vì thế, ở đâu người dân vùng biển, với thu nhập bấp bênh theo từng chuyến biển nên tỷ lệ người nghèo thường cao nhưng ở đây lại không rơi vào cảnh ấy. Thôn Thuận Thành chỉ có 4 hộ nghèo trong tổng số 220 hộ/993 khẩu.

Theo UBND xã Thuận Quý, kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 cho thấy trong năm có 3 hộ/10 khẩu đã thoát nghèo, 8 hộ/37 khẩu thoát cận nghèo. Như vậy, trong tổng số 953 hộ/3.849 khẩu của toàn xã thì hiện còn 9 hộ nghèo/25 khẩu rải đều ở 3 thôn. Cụ thể, 1 hộ/1 khẩu ở thôn Thuận Cường, 4 hộ ở thôn Thuận Minh và 4 hộ ở thôn Thuận Thành. Đồng thời, toàn xã có khoảng 60 hộ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, còn cấp tỉnh trên 10 hộ và cấp Trung ương 6 hộ.

Trong Quyết định về việc công nhận các xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chí thu nhập và nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2023 do Cục Thống kê Bình Thuận công bố thì Thuận Quý đạt 55,15 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này của dân Thuận Quý cao hơn 8 xã khác và đứng sau mức thu nhập bình quân của xã Hàm Cường. Đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của xã năm 2022, khi năm ngoái dừng ở 54,74 triệu đồng/người.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thắt chặt tình đoàn kết ở khu phố 1 Đức Tài
BTO-Sáng 15/11, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã về dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân khu phố 1, thị trấn Đức Tài (Đức Linh).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Thuận Quý còn 9 hộ nghèo