Theo dõi trên

Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: “Vượt ải” tiêu chí môi trường

22/12/2023, 05:55

1. Khi những ngày cuối cùng của tháng 12/2023 đến gần thì 2 xã phải về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 của Hàm Thuận Nam là Tân Lập và Hàm Cường cũng hoàn tất các thủ tục để được các sở ngành chức năng công nhận các tiêu chí làm xong cuối cùng.

Tiêu chí được thực hiện có kết quả sau nhất, vì bản chất của kết quả ấy mang tính huy động cả cộng đồng người dân lẫn doanh nghiệp thực hiện là về môi trường. Với xã xây dựng nông thôn mới, tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm có đến 12 tiểu tiêu chí, với những yêu cầu cao, tỉ mỉ, chặt chẽ. Còn với xã xây dựng nông thôn mới nâng cao thì môi trường ấy không chỉ thể hiện ở tiêu chí 17 về môi trường vốn cũng có đến 12 tiểu tiêu chí cụ thể có tỷ lệ yêu cầu cao hơn, mà còn tính cả tiêu chí 18 về chất lượng môi trường sống, trong đó có 8 tiểu tiêu chí, tập trung vào nước sạch sinh hoạt, an toàn thực phẩm, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt, bãi chôn chất thải rắn sinh hoạt… Vì với khối lượng thực hiện quá nhiều như thế nên các tiểu tiêu chí liên quan đến thẩm định của nhiều sở. Như nước sạch phải qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, có những tiểu tiêu chí khác qua Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định…

ham-cuong.jpg
Cây xanh trồng trong khuôn viên nhà dân góp phần đạt tỷ lệ cây xanh ở xã Tân Lập.

Điều đáng nói, quá trình thực hiện tiêu chí về môi trường của 2 xã nhọc nhằn, lâu hơn các tiêu chí khác. Vì độ khó thực hiện, trong đó phải có sự đồng lòng, dốc sức của phần lớn người dân trong xã thì mới mong đạt yêu cầu đề ra. Thế nên, phải dân vận, động viên, thuyết phục nhiều, nhất là những vấn đề liên quan đến túi tiền người dân như bắt nước sạch sinh hoạt để đủ tỷ lệ cần có… cho thấy sự quyết liệt trong thực hiện của 2 xã. Nhờ vậy, đến thời điểm gần cuối năm 2023 này, dù chưa chính thức có kết quả thẩm định nhưng theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, sau khi gửi các báo cáo thẩm tra thực hiện các tiểu tiêu chí về sở, ngành chức năng có liên quan thì cảm quan nhận xét là đã đạt theo quy định. Vì đã làm rất chặt chẽ, tỉ mỉ từng tiểu tiêu chí…

ham-cuong-1-.jpg
Trồng cây xanh ven đường ở Hàm Cường.

2. Như Hàm Cường, xã xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 với kết quả thực hiện tiêu chí về môi trường, UBND huyện Hàm Thuận Nam phải làm 2 báo cáo để gửi ngành chức năng. Cụ thể trong ngày cuối tháng 11/2023, huyện có báo cáo thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện Tiểu tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao (17.1, 17.4, 17.10, 17.12, 18.7, 18.8) của xã Hàm Cường. Đến tháng 12/2023, huyện lại có thêm báo cáo Thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện Tiểu tiêu chí 17.2; 17.3, 17.5; 17.6 thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao xã Hàm Cường. Qua phân tích các tiểu tiêu chí đã cho thấy rõ nhất tình hình sản xuất kinh doanh của toàn xã và cả chuyện rất nhỏ như nhà tắm, thiết bị chứa nước, xử lý rác của từng hộ gia đình thế nào… Cụ thể như tại tiểu tiêu chí 17.1, Hàm Cường có 2 trang trại heo, 1 hộ kinh doanh gà, 1 hộ kinh doanh vịt. Các trang trại trên đều có hồ sơ môi trường đầy đủ, hệ thống thu gom chất thải, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình BVMT; thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Đồng thời cũng đều có công trình xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại… Hay tại tiểu tiêu chí 17.2, Hàm Cường có 44/44 cơ sở sản xuất, kinh doanh và tất cả đều có đầy đủ hồ sơ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Rồi tiểu tiêu chí 17.6 cũng rạch ròi về 2 nguồn chất thải nguy hại và có hướng xử lý, nhất là chất thải nguy hại từ hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, hoạt động trồng trọt nông nghiệp, khi trên địa bàn có 2.212 ha đất trồng cây lâu năm và 817 ha đất gieo trồng cây hàng năm. Theo ước tính mỗi ha phát sinh 0,3 kg/mùa (3 tháng), mỗi năm trên địa bàn phát sinh khoảng 3.634,8 kg. Để xử lý rác này, UBND xã cùng các đoàn thể thu gom vào các bi bê tông có nắp đậy, bố trí ở những nơi thích hợp. Riêng tại tiểu tiêu chí 18.7, cũng thấy rõ tình hình sinh hoạt ở từng nhà dân. Qua điều tra thống kê năm 2023 trên địa bàn xã có 2.458/2.501 hộ có công trình nhà tắm hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 98%; có 2.446/2.501 hộ có thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 98%; có 2.406/2.501 hộ có Nhà tiêu an toàn, đạt tỷ lệ 96% và 2.426/2.501 hộ đảm bảo “3 sạch”, đạt tỷ lệ 97%.

ham-cuong-2-.jpg

3. Còn Tân Lập, xã xây dựng nông thôn mới phải về đích năm 2023 cũng đã thực hiện xong các tiểu tiêu chí trong tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Trong tháng 12/2023, UBND huyện đã có báo cáo gửi ngành chức năng về thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện tiểu tiêu chí 17.2, 17.3, 17.6, 17.7, 17.8, 17.11, 17.12 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã Tân Lập. Cũng giống như các xã có nhiều diện tích thanh long khác, Tân Lập cũng rơi vào cảnh không thể trồng cây xanh ven những vườn thanh long ven đường và cả chưa kiểm soát hết hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, qua khảo sát đánh giá tiểu tiêu chí 17.2, cho thấy trên địa bàn xã có 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đều đã có hồ sơ môi trường. Cụ thể, 11 hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt và 39 hồ sơ thuộc trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường và hồ sơ môi trường tương đương. Còn tiểu tiêu chí 17.3 về cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn, không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung, qua khảo sát đánh giá cho thấy có 3 tuyến/12,4 km đường trục thôn, liên thôn; 99 tuyến/42 km đường ngõ xóm và cả 7,5 km thuộc tuyến đường quốc lộ 1A... đều đảm bảo việc thoát nước và không bị ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, đất cây xanh theo quy định 2m2/người, Tân Lập cũng đạt với 34.175m2 đất cây xanh. Phân tích lý do cho thấy, nhà ở của dân trong xã phần lớn gắn liền với đất nông nghiệp, nơi trồng cây ăn trái như xoài, mít... và cả trồng cây cảnh bóng mát như dáng hương, cây xưa, bằng lăng... cùng với hoa nhằm cải tạo sân vườn. Qua thẩm tra cho thấy Tân Lập cũng vượt ải tiêu chí về môi trường.

HẢO CHI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Từ 21 - 31/12/2023: Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, nguồn nước
Sở Y tế vừa tổ chức cuộc họp triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trước khi diễn ra Lễ Tổng kết và Lễ Bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: “Vượt ải” tiêu chí môi trường