Thành phần đoàn khảo sát gồm đại diện các doanh nghiệp lữ hành TP.Hồ Chí Minh và Bình Thuận, lãnh đạo ngành du lịch và các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh. Theo chương trình, Đoàn sẽ tham quan, khảo sát và trải nghiệm một số dịch vụ các điểm đến tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch xanh để mời gọi khách du lịch như: hồ Hàm Thuận - Đa Mi, thác Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, hồ Biển Lạc, thác Ba Tầng, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, núi Tà Cú, Suối nước nóng Bưng Thị.
Sau khi tham quan, khảo sát và trải nghiệm các dịch vụ tại các điểm đến, đại diện công ty lữ hành sẽ có đánh giá, trao đổi và đóng góp ý kiến ngay với ngành du lịch và các địa phương về việc khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng các tour du lịch dã ngoại hướng về thiên nhiên như: cắm trại, chèo thuyền, leo núi, vượt thác, câu cá… mang đặc trưng riêng của vùng cao Bình Thuận.
Bên cạnh được tham quan những “món quà” của thiên nhiên, dấu ấn “du lịch xanh” các tour du lịch tại Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Đức Linh còn thể hiện khi gắn với những hoạt động bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan như: trồng cây xanh, thu gom rác thải, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học…
Có thể nói, du lịch hướng về thiên nhiên, du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường hiện nay không những là một xu hướng du lịch mang nhiều ý nghĩa về mặt xã hội được nhiều đối tượng khách du lịch yêu thích và chọn lựa, mà sản phẩm du lịch này còn rất phù hợp với trạng thái “du lịch thích ứng an toàn phòng, chống dịch”.
Do vậy, tổ chức khảo sát và xây dựng sản phẩm “du lịch xanh” tại các địa phương có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác vừa thúc đẩy du lịch các huyện vùng cao phát triển, vừa tạo nên những tour du lịch độc đáo hấp dẫn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, góp phần phục hồi hoạt động ngành du lịch, hướng đến phát triển du lịch Bình Thuận xanh và bền vững.