Trải nhựa đường giao thông khu dân cư Hùng Vương. Ảnh: N.Lân |
Diện mạo mới
Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội thị TP. Phan Thiết và trung tâm các huyện, thị xã nhờ đó đã tạo nên bộ mặt mới cho các đô thị. Tại đô thị Phan Thiết, dọc theo những con đường mới mở, những khu dân cư mới hình thành là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát với kiến trúc khá hiện đại, góp phần tô điểm cho sự sầm uất, khang trang của một thành phố du lịch.
Đến nay, một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã đạt được các tiêu chí về hạ tầng trong bộ phân loại đô thị. Đến cuối năm 2015, tổng số đô thị hiện có 15 đô thị, trong đó TP. Phan Thiết được công nhận đô thị loại II; thị xã La Gi, thị trấn Phan Rí Cửa được công nhận đô thị loại IV, còn lại 12 đô thị loại V (thị trấn Liên Hương, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Phú Long, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Lạc Tánh, Võ Xu, Đức Tài và Trung tâm huyện lỵ Phú Quý). Để đạt được những kết quả ấy, trong giai đoạn 2011 – 2015 tỉnh đã đầu tư rất nhiều công trình phục vụ phát triển đô thị. Theo ông Trần Hữu Thành – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông góp phần rất lớn thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, cải thiện bộ mặt đô thị. Chẳng hạn, với 2 đô thị lớn của tỉnh là Phan Thiết và La Gi đã hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, đưa vào sử dụng các tuyến đường chính như: Hùng Vương, Lê Duẩn (đoạn từ quốc lộ 1A đến ga Phan Thiết), đường Nguyễn Văn Linh (nối dài), Tuyên Quang (nối dài), đường ĐT.716 (đoạn từ cầu Ké đến Mũi Né), đường ĐT.719 (đoạn từ xã Tân Thành đến phường Tân Thiện)… Ngoài ra, một số dự án, công trình quan trọng kết nối các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng: hoàn thành, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, cải tạo quốc lộ 55 đoạn từ Bình Thuận đi Lâm Đồng… Đặc biệt, một số dự án, công trình được xem là những mắt xích quan trọng làm diện mạo đô thị tỉnh nhà thêm phần mới mẻ đã được triển khai đầu tư xây dựng: sân bay Phan Thiết (đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng), đường Lê Duẩn (đoạn từ Trường Chinh đến Lê Hồng Phong), nâng cấp đường từ cầu Hùng Vương đến ĐT 706B...
Phát triển đô thị một cách đồng bộ
Có thể thấy, thời gian qua hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư để từng bước hoàn thiện những tiêu chí của từng đô thị. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển hạ tầng năng lượng có những chuyển biến tốt, chính sách thu hút đầu tư được quan tâm triển khai góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của một tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh hiện chỉ theo chiều rộng chứ chưa đẩy mạnh về chiều sâu. Nghĩa là chúng ta mới phát triển, mở rộng diện tích các đô thị, thị trấn và xây dựng một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhưng chưa đáp ứng kịp thời quá trình phát triển của các đô thị, nhất là TP.Phan Thiết và thị xã La Gi. Hầu hết các đô thị chưa có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung (trừ TP.Phan Thiết), chưa có nhà máy xử lý rác thải; công tác cải tạo chỉnh trang đô thị theo quy hoạch còn chậm. Bên cạnh, một vấn đề đặt ra trong phát triển đô thị hiện nay là cùng với việc mở rộng đô thị, đầu tư hạ tầng đồng bộ, cần tập trung đầu tư nguồn lực để cư dân đô thị phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, nhất thiết phải có giải pháp thu hút cư dân vào đô thị và giãn dân từ các vị trí đông đúc đến một số vùng ít dân cư sinh sống, để phát triển phù hợp với tốc độ đô thị hóa.
Tại cuộc họp sơ kết Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy, ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đa số các chỉ tiêu đều phụ thuộc vào vốn đầu tư là chủ yếu. Do đó, Sở Xây dựng và các ngành chức năng cần đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu... và tập trung đầu tư nhằm hoàn thiện tiêu chí cho từng đô thị…”. |
M.Vân