Di sản văn hóa đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trên phương diện kinh tế - xã hội, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Đồng thời làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Hiện nay Bảo tàng Bình Thuận đang lưu giữ khoảng 57.000 hiện vật, cổ vật quý hiếm, đây là số lượng hiện vật rất lớn mà đơn vị đang trực tiếp bảo quản, với nhiều loại chất liệu khác nhau như đá, mộc, phim ảnh, giấy, vải, nhựa, thủy tinh, da, xương, gốm, kim loại… được sưu tầm trong nhân dân qua các cuộc khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các lần phát hiện tàu đắm và tổ chức trục vớt trên vùng biển của tỉnh cũng đem lại nguồn cổ vật phong phú về chất liệu.
Trong những tháng đầu năm 2019, Bảo tàng Bình Thuận còn sưu tầm được gần 100 hiện vật nữa có giá trị lịch sử, văn hóa hết sức đặc sắc. Để có được số lượng hiện vật nói trên, ngoài việc cán bộ bảo tàng phải thường xuyên đi đến các địa phương khảo sát trên thực địa, sưu tầm và đồng thời đến từng nhà vận động người dân, các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn tỉnh đóng góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng phục vụ nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị. Phải nói rằng, nhờ sự đóng góp, hiến tặng của một số người dân đã góp phần giúp Bảo tàng Bình Thuận ngày càng có số lượng hiện vật phong phú, đa dạng để phục vụ công tác trưng bày giáo dục truyền thống, thu hút khách tham quan. Qua đó, Bảo tàng Bình Thuận vẫn đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp, hiến tặng hiện vật trong việc xây dựng đa dạng các sưu tập hiện vật tại bảo tàng địa phương. Với tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định rằng: “Di sản không chỉ chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững”. Trên cơ sở đó, việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trước hết có giá trị to lớn trong giáo dục, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, đề cao tinh thần yêu nước, yêu thiên nhiên và qua đó góp phần hình thành nhân cách con người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh. Hệ thống di sản còn mang trong mình những dữ liệu, thông tin cho thấy lịch sử phát triển của dân tộc có giá trị lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự trường tồn của dân tộc. Đặc biệt, hệ thống di sản còn là nguồn tài sản vô cùng quý giá của quốc gia và thực sự là nguồn nội sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Với tầm quan trọng là vậy nhưng làm thế nào để phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước khắc phục các hạn chế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thì các ngành, địa phương cần phải rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và đảm bảo an toàn cho các di sản văn hóa đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân vừa được trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các chuyên gia, vai trò của nghệ nhân, người giữ hồn để truyền tải các giá trị tinh thần của di sản trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.
THANH QUANG