Theo dõi trên

Xin cho con ở lại lớp không phải hiện tượng cá biệt

18/12/2019, 10:13

BT- Dư luận đang xôn xao câu chuyện người cha làm đơn xin cho con ở lại lớp 1 với lý do: “Sau một năm được quý trường dạy bảo, đến nay con tôi chỉ biết đọc vài chữ cái và không thể ráp vần, không biết đọc, biết viết. Do càng học càng ngu mà nhà trường ép buộc phải lên lớp 2 nên cháu muốn xin ở lại lớp 1 để khi nào biết chữ sẽ tự nguyện lên lớp 2. Rất mong ban giám hiệu cho phép cháu ngồi lại lớp cho đúng năng lực trình độ".

 Xin cho con ở lại lớp không còn là hiện tượng cá biệt

Bởi, nhiều trường học đầu năm luôn đăng ký tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng ít nhất là 98%, trường mang danh hiệu chuẩn quốc gia luôn ở mức 99% thì cuối năm sao có thể cho học sinh ở lại lớp? Nếu học sinh ở lại lớp, giáo viên đương nhiên bị ban giám hiệu gây khó khăn vì chính ban giám hiệu sẽ bị cán bộ phòng giáo dục chất vấn, gây sức ép.

Và biết đâu chính phòng giáo dục cũng phải chịu sức ép từ trên xuống nên họ phải làm thế? Cách đây nhiều năm, người viết bài đã cho một học sinh ở lại lớp 2 sau khi đã kèm cặp em vô cùng tận tình cả năm và 2 tháng hè nhưng vẫn không tiến bộ.

Em đọc quá yếu, đến độ chúng tôi hay nói đùa “đọc bài mà tháng 5 một tiếng tháng 10 một tiếng”. Đọc yếu đương nhiên chẳng thể viết chính tả, không làm được tập làm văn, toán cũng chẳng thể đọc đề bài để hiểu. Những môn học khác hầu như cũng chẳng biết gì. Vậy mà khi đưa danh sách học sinh ở lại lớp, tôi được mời lên phòng hiệu phó nghe chất vấn đủ điều.

Sau khi không buộc tôi phải cho học sinh ấy lên lớp, hiệu phó yêu cầu tôi phải kèm em trong 3 tháng hè để em thi lại. Những ngày hè, tôi cũng phải sắp xếp chạy xuống nhà em vài buổi để kèm em học nhưng lực học của em cũng chẳng khá lên bao nhiêu. Thế rồi nhà trường thành lập tổ thẩm định, gọi em ấy lên khảo sát, và cuối cùng thống nhất cho em lên lớp 3.

Nhà trường không còn o ép, gây “sóng gió” cho tôi nhưng chính tôi gặp rắc rối từ phía phụ huynh. Một buổi chiều đang đi lên lớp, một phụ huynh kéo tay giọng năn nỉ: “Cô ơi! Cô cho cháu Tuấn ở lại lớp đi, nó học yếu thế sao có thể lên lớp được?”. Tôi phải nói với phụ huynh rằng, mình không có quyền và hướng dẫn họ lên gặp ban giám hiệu. Tôi nghe phụ huynh nói lại, hiệu trưởng nói trường chuẩn quốc gia nên không thể ở lại, nếu muốn cho con ở lại phải chuyển trường khác. Có lẽ vì sợ con phải chuyển trường nên phụ huynh ấy bỏ ý định xin cho con được ở lại lớp.

  Học sinh học yếu - lỗi có thuộc về giáo viên?

Đã có giáo viên và cả phụ huynh bức xúc việc học sinh yếu không được ở lại lớp nên nhờ tôi viết bài. Thế nhưng, tôi không thể “điểm mặt chỉ tên học sinh và trường lớp”. Bởi, là giáo viên nên tôi hiểu học sinh học quá yếu lỗi không hoàn toàn thuộc về chúng tôi.

Nếu việc học sinh ngồi nhầm lớp bị phanh phui trước công luận, ban giám hiệu nhà trường sẵn sàng phủi trách nhiệm và cho rằng mình không chỉ đạo, lỗi là do tin tưởng quá giáo viên.Thế là bao tội lỗi đều mình giáo viên gánh chịu.

Trong khi đó, có những thầy cô dạy rất nhiệt tình, những giờ giải lao, giờ nghỉ tiết cũng ngồi kèm các em học. Thậm chí có giáo viên còn đưa các em về nhà dạy không công vào buổi tối. Nhưng do trí tuệ kém phát triển, trí nhớ không bình thường, những học sinh này vẫn không thể tiếp thu được kiến thức. Một số em là sản phẩm của lớp trước vốn học yếu nhưng bị lùa lên lớp trên nên đã yếu càng yếu hơn. Những trường hợp ấy, giáo viên có “ba đầu sáu tay” cũng chẳng thể thay đổi được gì.

 Sẽ còn nhiều lá đơn xin ở lại lớp, nếu...

Một lớp dăm chục học sinh sẽ có vài ba em lực học vô cùng yếu. Một trường từ dăm trăm em trở lên, số lượng học yếu chiếm khoảng vài chục em cũng là chuyện bình thường. Thế mà, vài em lưu ban đã khó nói gì đến vài chục em? Vì căn bệnh thành tích nên nhiều học sinh yếu đã không còn cơ hội ở lại lớp.

Học yếu ở lại lớp, học sinh sẽ có cơ hội học tập tốt hơn. Học yếu cứ phải lên lớp thì càng ngày các em học sẽ càng yếu hơn.

Có gia đình bất lực đành cho con nghỉ học giữa chừng nhưng có những phụ huynh không chấp nhận điều đó, họ phản kháng bằng nhiều cách như lên trường xin, viết đơn gửi cấp trên thậm chí chấp nhận chuyển trường.

Chúng ta kêu gọi xóa bỏ thành tích, nhưng thành tích ở ngay trong mỗi chúng ta. Nếu giáo viên đừng đặt nặng thành tích cá nhân, nếu nhà trường cũng đừng đặt nặng các danh hiệu tập thể để đánh giá đúng chất lượng học tập và sẵn sàng cho học sinh yếu ở lại.

Lúc đó, học sinh ngồi nhầm lớp chắc chắn sẽ không còn nữa.

Huyền Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nghiệt ngã kẻ thế vai
Erik Ten Hag đến Man Utd vào tháng 4/2022 và mang đến nhiều kỳ vọng sau thành công ở Ajax. Tuy nhiên chỉ sau 30 tháng, Erik Ten Hag đã bị “cho ra đường” sau những thành tích không thể “kém cỏi” hơn trong lịch sử khởi đầu mùa giải của MU. Ruud Van Nistelrooy là cái tên được chọn, cho ghế tạm quyền, nhưng Van Gol cũng như Michael Carrick, dù ra mắt hoàn hảo trên ghế tạm quyền, nhưng anh vẫn chỉ là kẻ thế vai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin cho con ở lại lớp không phải hiện tượng cá biệt