Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt mạnh mẽ từ ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.
Ở Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh bùng nổ vào sáng ngày 1/5/1930 với sự tham gia của công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện lân cận đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ sưu, giảm thuế, chống khủng bố, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy dệt Nam Định, ủng hộ Liên bang Xô Viết.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua Xử ủy Trung Kỳ, cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình của công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng nhân dân 5 xã ven thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) vào ngày 1/5/1930.
Các cuộc biểu tình diễn ra đồng loạt, mạnh mẽ đã làm cho bộ máy chính quyền thực dân và bộ máy chính quyền tay sai lâm vào tê liệt, tan rã. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức Nông hội (xã bộ nông) đã được thành lập. Song, phải sang đến tháng 9 phong trào đấu tranh mới lên đến đỉnh cao. Ngày 1/9/1930, 20.000 nông dân huyện Thanh Chương biểu tình đòi bỏ thuế, thả tù chính trị. Lính Pháp nổ súng nhưng những người biểu tình vẫn tiến vào huyện đường, phá nhà giam, thả tù nhân, đốt hồ sơ, sổ sách và dinh trị huyện. Trước sự tấn công ồ ạt của nhân dân, bọn hào lý địa phương phải bỏ chạy. Hầu hết các thôn thuộc huyện Thanh Chương rơi vào tình thế không có chính quyền quản lý. Nhân dân xã Võ Liệt đã tự động đứng ra tổ chức điều hành các công việc trong xã.
Ngày 5/9/1930 nông dân huyện Anh Sơn biểu tình ủng hộ nhân dân huyện Thanh Chương với các khẩu hiệu “bãi bỏ thuế thân”, “chia lại ruộng đất”, “thả tù chính trị”. Tiếp đó, trong 2 ngày (5/9 và ngày 7/9) nông dân 2 huyện Diễn Châu, Can Lộc đốt phá nhà giam. Từ ngày 8/9 đến ngày 11/9/1930, khí thế đấu tranh càng sục sôi khi hàng chục nghìn nông dân của các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Can Lộc… đồng loạt nổi dậy.
“….Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên
Nam Ðàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi
Trên gió cả cờ đào phất thẳng
Dưới đất bằng giấy trắng tung ra
Giữa thành một trận xông pha
Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng…”.
Phong trào được đẩy lên đỉnh cao bằng cuộc biểu tình đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 với các khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến”, “Bỏ sưu thuế, bớt giờ làm, chống khủng bố trắng, đòi bồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái... đòi chia lại ruộng đất...”. Đoàn biểu tình này xếp hàng dài hơn 1 cây số, tập trung kéo về thành phố Vinh. Theo mô tả, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là đội viên tự vệ được trang bị các loại dao, gậy. Trên đường đi, đoàn biểu tình có lúc dừng lại để diễn thuyết và chỉnh đốn đội ngũ; dòng người càng đi càng được bổ sung thêm cho đến khi đến gần Vinh con số đã lên tới 30.000 người và xếp hàng dài tới hơn 4 km. Thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 nóc nhà. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị thiêu rụi hoàn toàn. Song điều đó cũng không ngăn cản được phong trào đấu tranh của quần chúng nông dân mà càng làm cho cuộc đấu tranh thêm sục sôi khiến cho chính quyền thực dân hoảng sợ.
Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ Tĩnh, các chi bộ và tổ chức Nông hội đỏ đã quản lý điều hành hoạt động trong làng xã. Những người cách mạng đã lập ra chính quyền Xô viết đầu tiên ở Việt Nam (chính quyền cách mạng sơ khai do giai cấp công nhân lãnh đạo). Chính quyền mới đã ban hành nhiều chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa. Về chính trị, nhân dân được quyền tự do hội họp, thảo luận và hoạt động trong các tổ chức đoàn thể: Nông hội, Công hội, Đoàn thanh niên cộng sản… Về kinh tế, nhân dân được chia ruộng, bãi bỏ các thứ thuế vô lý, bất công, thực hiện giảm tô và xóa nợ cho dân nghèo. Về văn hóa, chính quyền cách mạng đã tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Đến giữa năm 1931, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố - trấn áp. Nhiều cơ quan đầu não của Đảng, các cơ sở trong dân bị phá vỡ, nhiều đảng viên, người biểu tình bị bắt giam hoặc hành quyết. Mặc dù bị kẻ địch khủng bố, đàn áp phong trào trong biển máu, hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ cách mạng của Đảng đã hy sinh và bị địch bắt bớ, tù đày nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã mang lại thành quả to lớn, ý nghĩa và bài học lịch sử sâu sắc đối với Đảng ta và cách mạng nước ta.
Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh được đánh giá là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931. Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên trong cả nước để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đây là cao trào cách mạng đầu tiên của quần chúng công nông do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, đánh dấu sự chuyển biến căn bản từ tính chất đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác của phong trào cách mạng Việt Nam.
Tuy chỉ tồn tại trong 7 tháng nhưng cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ.
Thành quả lớn nhất của cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết - Nghệ Tĩnh là đã khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân thông qua chính đảng tiên phong của mình, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân yêu nước có đủ khả năng đánh đổ nền thống trị của đế quốc, phong kiến tay sai, giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.
94 năm đã trôi qua song khí thế cách mạng ngất trời của cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh trong những năm 30 của thế kỷ XX cho đến nay vẫn luôn bừng cháy trong lòng những người dân yêu nước Việt Nam. Tinh thần Xô Viết - Nghệ Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà nó sẽ còn tiếp tục được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.