Theo dõi trên

Xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu bảo tồn thiên nhiên núi ông: Cần giải pháp căn cơ

25/01/2018, 08:39

BT- Do nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp và trồng cây lâu năm ngày càng gia tăng; giá trị về đất trên thị trường tăng đột biến những năm qua. Một số mặt hàng nông sản như mì, bắp, cao su, điều nhiều năm được giá, mang lại thu nhập cao cho người dân. Vì vậy, đã kích thích cho nhiều người bất chấp pháp luật để phá rừng, lấn, chiếm, sang nhượng, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp nói chung và rừng đặc dụng nói riêng. Qua thống kê tổng số diện tích rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông bị người dân lấn chiếm 1.045,87 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Tánh Linh với diện tích 978,02 ha, diện tích còn lại người dân ngoài huyện lấn chiếm.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Minh, trú tại xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh đã lấn chiếm 1,3 ha đất lâm nghiệp thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông từ hơn 10 năm nay. Những năm đầu gia đình ông trồng các loại cây ngắn ngày chủ yếu là cây mì. Những năm sau đó gia đình đưa cây điều vào trồng trên đất lấn chiếm. Hiện nay điều đã khép tán, mỗi năm cho năng suất khoảng 1.000 kg điều hạt. Nhờ có cây điều, gia đình ông đã có thêm điều kiện trang trải cuộc sống. Khi nghe chủ trương của Nhà nước thực hiện đề án thí điểm mô hình trồng các loại cây bản địa để phục hồi lại rừng và kết hợp trồng cây kinh tế dài ngày trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đồng thời gắn với quản lý rừng giữa các bên liên quan, ông Minh rất đồng thuận chủ trương này và mong muốn Nhà nước hỗ trợ giống cây bản địa thanh trà hoặc ương về trồng xen ghép trên diện tích đất triền đồi mà gia đình ông lấn chiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Còn hộ ông Nguyễn Hùng Ánh, khu phố Lạc Hà, thị trấn Lạc Tánh cũng có diện tích đất lấn chiếm nằm trong tiểu khu 309 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông khoảng 3 ha. Hiện nay, cây điều trồng trên đất lấn chiếm đã cho thu hoạch. Gia đình ông mong muốn Nhà nước hỗ trợ đưa cây đinh lăng về để gia đình trồng dưới tán điều. Hầu hết các hộ dân có diện tích đất lấn chiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cơ bản thống nhất chủ trương dự thảo đề án thí điểm mô hình trồng các loại cây bản địa để phục hồi lại rừng và kết hợp trồng cây kinh tế dài ngày trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Qua thống kê của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, trong tổng số 1.045,87 ha diện tích rừng đặc dụng bị lấn chiếm tại đơn vị chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2013; trong đó giai đoạn 2004 - 2008 là 336,87 ha, giai đoạn 2009 - 2010 là 501,14 ha và giai đoạn 2011 - 2013 là 177,86 ha. Diện tích lấn chiếm chủ yếu được trồng cây nông nghiệp hàng năm với 800,48 ha, chiếm 76,5%, còn lại 245,39 ha trồng cây lâu năm như điều, cao su, gió trầm. Mặc dù những năm qua, các cấp chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã rất nỗ lực trong việc rà soát diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tuy nhiên đến tháng 4/2017 tỷ lệ diện tích kê khai được 544,25 ha/572 hộ gia đình, chiếm 52%; trong đó diện tích được kê khai và xác minh thực địa 361,16 ha/399 hộ và diện tích được kê khai nhưng không tham gia kiểm tra thực địa 183,09 ha/233 hộ. Số diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm còn lại chưa được kê khai 501,62 ha, chiếm 48%, đây là những diện tích gặp nhiều vướng mắc trong quá trình kê khai do đối tượng lấn chiếm không thực hiện nhiệm vụ kê khai hoặc không rõ đối tượng lấn chiếm, một số diện tích lấn chiếm đã sang nhượng theo hình thức trao tay.

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, ngoài dự thảo đề án thí điểm trên, để tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân còn lại sớm kê khai, huyện Tánh Linh cần phối hợp xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đến năm 2020 đến từng thôn, xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp nằm trong khu vực khu bảo tồn. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt cho các hộ dân sống trong và gần rừng, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

N.Khánh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu bảo tồn thiên nhiên núi ông: Cần giải pháp căn cơ