Theo dõi trên

Xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên cây trồng

24/06/2020, 09:36

BT- Sau đợt hạn hán kéo dài kỷ lục, những cơn mưa tầm tã lại đổ xuống diện rộng tại nhiều địa phương. Sự thay đổi liên tục của các hình thái khí hậu, thời tiết, khiến nhiều loại cây trồng phát sinh sâu bệnh, nổi nhất là 2 loại cây trồng chính của tỉnh là lúa và thanh long. 

                
   Hiện tượng sâu bệnh trên thanh long.

Lúa mạ, đẻ nhánh bị gây hại

Ngay khi có mưa, bổ sung lượng nước tưới đến các hồ chứa, cánh đồng, hầu khắp các địa phương đều chủ động sản xuất vụ hè thu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 15.000 ha lúa vụ hè thu, chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tại nhiều địa phương, lúa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại.

Đơn cử như ốc bươu vàng, với diện tích nhiễm 147 ha, mật số 2,5-5 con/m2, phân bố nhiều tại huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Ngoài ra, các hiện tượng như sâu đục thân xuất hiện diện tích nhiễm 20 ha, bệnh đạo ôn lá 542 ha với tỷ lệ 5-10%. Đặc biệt, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong những ngày tới, diện tích lúa vụ hè thu sẽ tiếp tục xuất hiện bệnh đạo ôn lá, cổ bông tiếp tục phát sinh và gây hại giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ. Cùng với đó, ốc bươu tiếp tục phát sinh và gây hại trên cây lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Một số loại sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu có thể phát sinh gây hại.

Do vậy, trong thời điểm này, các huyện nên khuyến cáo nông dân gieo sạ với mật độ phù hợp (100 - 120 kg/ha sạ hàng và không quá 150 kg/ha khi gieo thẳng), thăm đồng thường xuyên để phát hiện các loại dịch hại sớm, có biện pháp xử lý kịp thời. Trong đó, tập trung các đối tượng dịch hại như ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Sâu đục thân, bệnh đạo ôn gây hại giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ. 

Gia tăng sâu bệnh trên thanh long

Vượt qua giai đoạn khó khăn do thanh long bị khô héo vì hạn, nay mưa xuống, gia đình bà Nguyễn Thị Thái Thanh, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc lại mang nỗi lo mới. Đó là trên 1.000 trụ thanh long đang cho thu hoạch hàng mùa, xuất hiện những đốm chấm lạ trên trái. Vợ chồng ông bà đã nhờ đến cán bộ chuyên môn xem xét, tìm hiểu về hiện tượng để biết cách phòng trừ. Ông bà cũng nhanh chóng chặt bỏ, mang đi tiêu hủy lượng trái bị sâu bệnh để hạn chế lây lan ra những trụ xung quanh.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thời điểm này trên cây thanh long, bệnh đốm nâu nhiễm 415 ha với tỷ lệ nhiễm nhẹ 5 - 10%, tăng 167 ha so với kỳ trước, tập trung tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi. Ngoài ra, bệnh thán thư cành, quả nhiễm 137 ha, tăng 32 ha so với kỳ trước. Đặc biệt trong giai đoạn này, sự xuất hiện của bệnh nám cành, vàng cành gần 3.600 ha, tăng 2.090 ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh thối rễ tóp cành nhiễm là 1.477 ha. Với tình hình thời tiết hiện nay, khả năng các loại sâu bệnh như đốm nâu, thán thư, ốc sên tăng về diện tích và mức độ gây hại. Bệnh thối rễ tóp cành, vàng nám cành có xu hướng giảm về diện tích và mức độ gây hại.

Ngành chức năng khuyến cáo, đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, các huyện tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn, tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật cho người dân biết và áp dụng. Đối với bệnh vàng cành, khuyến cáo bà con bón hoặc phun bổ sung các loại phân bón lá có hàm lượng lân, canxi, magie, kali cao để tăng cường độ cứng của cành.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên cây trồng