Theo dõi trên

Xuất khẩu nhộn nhịp, nội địa im lìm

22/10/2021, 09:11

BT- Các doanh nghiệp có sản phẩm tiêu thụ nội địa để có thể hoạt động trở lại tựa như dò đá qua sông. Điều đó, khác hẳn với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, vốn thuận lợi với thị trường đã thích ứng tốt dịch bệnh bắt đầu từ năm ngoái. 

Tăng ca, thêm công nhân

Những ngày này, các doanh nghiệp  ở 2 Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1, 2 đều đang tất bật thực hiện những đơn hàng bù trong thời gian đình đốn, gián đoạn, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và cả sự cố trong nhà máy xuất hiện F0. Tại Công ty TNHH chế biến thủy hải sản Trans Pacific thuộc KCN Phan Thiết  vào ngày làm việc thứ 7 trong tuần của giữa cuối tháng 10/2021, gần 500 công nhân đang chăm chỉ theo guồng công việc của nhà máy. Một lúc sau, từng tốp công nhân được sắp xếp rời chỗ làm đến nhà ăn của công ty để xét nghiệm sàng lọc. Từ sau thời điểm nhà máy xuất hiện 2 ca F0, công ty thực hiện xét nghiệm cho công nhân theo hướng 1 tuần/1 lần. Và khi đi ăn trưa, chia lượng công nhân đi ăn theo từng đợt. Các công nhân ở vùng đỏ được ở lại công ty, hầu hết công nhân đã được chích ngừa mũi 1…

Ông Naoki Nishimoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy hải sản Trans Pacific cho rằng, chủ động xét nghiệm và giãn cách trong ăn uống, sinh hoạt tại nhà máy như thế sẽ bảo đảm đáp ứng được các đơn hàng đang tiếp tục tăng nhiều hơn sắp tới. Ngay tại tháng 10, đơn hàng từ công ty mẹ tại Nhật Bản chuyển về đã tăng 60% so cùng thời điểm năm ngoái. Hơn thế, còn làm thêm mặt hàng mới là cá trích Nhật, bên cạnh các mặt hàng chính lâu nay là cá hồi, cua, tôm. Ông Naoki Nishimoto phân tích về sự tăng đột biến đơn hàng như một sự tất yếu với thị trường Nhật Bản. Đó là đất nước này cũng chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên trong các tháng cuối năm, Nhật bắt đầu đi vào thời gian phục hồi kinh tế. Do đó, các nhà hàng, quán ăn, những nơi mà thực khách hay thưởng thức sản phẩm của công ty cũng đã mở cửa hoạt động trở lại. Điều mà ông đang lo là những ngày qua, dù đã tuyển được khoảng 50 công nhân nhưng nhà máy vẫn đang cần thêm 100 công nhân nữa thì mới hy vọng thực hiện kịp các đơn hàng.

Trong khi đó, cũng tại KCN Phan Thiết, Công ty cổ phần chế biến xuất khẩu gỗ Khải Hoàn lên kế hoạch phải tuyển được từ 15-20 lao động/ngày nhằm đạt con số cần có là 400 công nhân trong thời gian sớm nhất, song song thuê thêm mặt bằng của một công ty kề bên. Còn hơn 700 công nhân đang làm tại nhà máy thì đã tăng ca từ 4 giờ 30 chiều - 7 giờ 30 tối đã nhiều ngày qua. Dù vậy, tính ra vẫn chưa thể thực hiện kịp các đơn hàng đang chuyển về công ty tới tấp. Do đó, công ty đang đẩy nhanh tiến độ mở một nhà máy tại xã Hàm Thắng – Hàm Thuận Bắc và tuyển  800 công nhân để chính thức đi vào hoạt động trong tháng 12/2021.

Sản xuất đá thạch anh nhân tạo xuất khẩu ở Khu công nghiệp Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Trần Thanh Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất khẩu gỗ Khải Hoàn thông tin vì sao các đơn hàng tăng gấp nhiều lần so cùng thời điểm năm ngoái. Rằng một phần từ các đơn hàng cuối năm của chính công ty. Phần khác do đơn hàng của các công ty chế biến gỗ tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… chưa sắp xếp kịp do ảnh hưởng dịch bệnh đã chuyển tới công ty. Đây là thời cơ để khẳng định năng lực cũng như chất lượng sản phẩm với nhiều đối tác nên công ty tận dụng, phát huy để mở rộng thị trường Mỹ, Canada. 

Như dò đá qua sông 

Với kế hoạch trên, Công ty Khải Hoàn mong muốn toàn bộ công nhân được tiêm vắc xin mũi 2, nhất là trong bối cảnh không có gì chắc chắn dịch Covid-19 sẽ lui hoàn toàn. Vì vậy, hiện tại công ty kiểm soát và nhắc nhở người lao động tiếp tục ý thức 5K như thời gian qua. Thời gian mà công nhân nào cũng nhớ rất rõ, tính từ lúc dịch bùng lên, phải thực hiện mô hình sản xuất an toàn là 3 tại chỗ với gần 300 người rồi tháo dỡ đi vào hoạt động bình thường và  nhà máy chưa xuất hiện ca F0 nào đến giờ. Đó là một thuận lợi góp phần giúp công ty thực hiện sản phẩm kịp đơn hàng.

Cũng cùng sản xuất sản phẩm đồ nội thất từ gỗ trồng nhưng những ngày này, các xưởng chế biến của Công ty L. hiện chưa thể đi vào hoạt động, vì không có một đơn hàng nào. Bên cạnh điều đó,  nỗi lo ngại khác là lây nhiễm bệnh do tập trung đông người. Nhưng theo cách giải thích của lãnh đạo công ty này, cái chính là không có đơn hàng mới, trong khi sản phẩm bày bán tại các showroom trong tỉnh, tại các tỉnh, thành khác như bàn ghế, tủ… vốn dĩ là hàng không thiết yếu nên càng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Hàng bị tồn và không biết đến khi nào giải phóng hết, nhất là khi thói quen sử dụng đồ đạc của người Việt là hư hỏng mới sắm, chứ không chạy theo mẫu mã thịnh hành như người tiêu dùng nước ngoài.

Cùng tình cảnh hàng tồn nhiều, bởi tiêu thụ nội địa mà nội địa lại bị ảnh hưởng bao phủ vì dịch Covid-19, một công ty chuyên sản xuất gạch Ceramic tại địa bàn Bắc Bình đã ngưng hoạt động cách đây gần 2 tháng. Đến cuối tháng 10 này, công ty bắt đầu đi vào hoạt động với những thận trọng sau khi kiểm tra các chuỗi cung ứng liên quan đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được thông suốt.

Thực tế, không chỉ sản phẩm không thiết yếu như trên mà ngay cả hàng thiết yếu như hải sản… nhưng tiêu thụ nội địa thì hầu hết đều rơi vào cảnh im lìm. Các doanh nghiệp chế biến hải sản chia sẻ, dù đã bình thường mới nhưng tỷ lệ tiêu thụ hàng thấp đến 50% so với bình thường. Các đối tác, các siêu thị phản hồi về là hàng tiêu thụ chậm nên cũng đặt hàng cho doanh nghiệp ít lại với hứa hẹn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Với thông tin, du lịch Bình Thuận sẽ bắt đầu đón khách vào ngày 24/10 tới, các doanh nghiệp đang tính toán chi phí đầu vào, đầu ra lẫn thị trường tiêu thụ để điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp.

Bối cảnh thị trường trong nước hiện tại được nhiều người ví như người ốm vừa trở dậy nên chuyện ăn uống chưa thể tốt, chưa thể hấp thu nhiều. Do đó, các doanh nghiệp có sản phẩm tiêu thụ nội địa để có thể hoạt động trở lại tựa như dò đá qua sông. Điều đó, khác hẳn với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, vốn thuận lợi với thị trường đã thích ứng với dịch bệnh bắt đầu từ năm ngoái. 

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu nhộn nhịp, nội địa im lìm