Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) cho biết: “Sở đang xúc tiến mời gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh cấp bách trên”.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học, hay hoạt động độc lập khi nộp hồ sơ về Sở KH & CN khi được xét duyệt thông qua, đều được sở ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện tham gia nghiên cứu thực tế, tìm các nguyên nhân gây sạt lở bờ khu vực hồ Bàu Trắng; qua đó đề xuất giải pháp bảo vệ bờ hồ đảm bảo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình”. Trong quá trình triển khai thực hiện, chủ nhiệm đề tài, hay nhóm tác giả cùng thực hiện đề tài sẽ được sở, ngành chức năng (KH & CN, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & PTNT…) hỗ trợ các số liệu, tài liệu liên quan sẵn có tại địa phương; các kết quả đã điều tra, nghiên cứu liên quan trước đây tại Bình Thuận, tạo điều kiện cho những người thực hiện. Các tác giả, nhóm tác giả sẽ có thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng trên trong 6 tháng, từ khi hồ sơ tham gia được thông qua.
Trước đó, báo cáo của UBND huyện Bắc Bình cho hay, khoảng 10h30’ ngày 3/5/2023, khu vực ven bờ Bàu Trắng (nằm trong di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Bàu Trắng, tại xã Hòa Thắng bất ngờ xảy ra hiện tượng sạt lở bờ hồ trong xanh đẹp đẽ này. Chiều dài vòng cung bị sạt lở khoảng 115 m, chiều rộng 21 m, chiều cao 4 m, diện tích sạt lở khoảng 1.590 m2. Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình có mặt tại hiện trường chỉ đạo UBND xã Hòa Thắng, Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng triển khu cắm cọc, biển cảnh báo khu vực sạt lở để người dân, du khách và các xe hoạt động trên đồi cát Trinh Nữ không được đến gần nơi sụt lún, nguy hiểm.
Được biết, Bàu Trắng là vùng hồ nước ngọt tự nhiên rộng lớn được chia thành hai phần bởi một đồi cát chắn ngang; người dân địa phương ngày trước gọi Bàu Ông, Bàu Bà (nay gọi Bàu Trắng và Bàu Sen). Phía bên trên Bàu Trắng, đồi Trinh Nữ với những trảng cát trắng mịn lượn lờ, nhấp nhô chạy men theo bờ hồ trong xanh, tạo khung cảnh nên thơ, kỳ vĩ giữa vùng đất nắng, gió Bắc Bình. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, lãng mạn này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Bàu Trắng, vào năm 2019. Bởi vậy, việc Sở KH & CN triển khai đề tài cấp thiết trên, tìm giải pháp khắc phục sạt lở hồ Bàu Trắng một cách căn cơ, góp phần ổn định địa chất, tạo môi trường sinh thái bền vững cho điểm du lịch quốc gia này ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan, vui chơi, giải trí. Đây là việc làm cần thiết trong Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
“Các tổ chức, cá nhân tham gia tuyển chọn đề tài: Nghiên cứu các nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng, gửi bộ hồ sơ về Sở Khoa học & Công nghệ Bình Thuận, số 8, Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp), thời gian nhận hồ sơ đến 17 giờ ngày 25/7/2023”.