Trong đó nổi bật là đã tổ chức thành công “Tuần lễ Triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” vào tháng 4 tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh tham gia. Qua đó tập trung trưng bày, giới thiệu gần 200 sản phẩm từ miền biển, hải đảo đến vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế địa phương như nước mắm, sản phẩm chế biến từ thủy sản, thanh long, tổ yến và nhiều sản phẩm chế biến từ các loại nông sản khác.
Nhân sự kiện này, ngành Công Thương còn phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bình Thuận với doanh nghiệp, nhà phân phối của các tỉnh, thành. Kết quả có gần 10 doanh nghiệp địa phương tìm được đối tác để giao thương, kết nối và tiến hành ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, cung ứng - tiêu thụ sản phẩm với nhau. Có thể kể đến Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, Hộ kinh doanh yến sào cao cấp Thiên Phú, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trần Khang Phong, Cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long Bình Thuận, Công ty TNHH Sản xuất nước mắm Thuận Hưng, Hộ kinh doanh Nam Thạnh Hương, Hộ kinh doanh Hoa Sen, Công ty TNHH MTV Năm Trang... Tại đây, Bình Thuận cũng tham gia Hội thảo Xu hướng tiêu dùng xanh và thông tin xuất khẩu vào thị trường Thái Lan năm 2024 nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn Bình Thuận quảng bá sản phẩm đặc trưng, tìm kiếm đối tác mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt giữa năm nay, Bình Thuận đã tổ chức Đoàn công tác xúc tiến thương mại tại thủ đô Viêng Chăn nhằm tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiếp cận thị trường Lào. Hoạt động này được xem là bước khởi đầu hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng cũng như các chính sách để tiến tới xuất khẩu hàng hóa sang nước bạn… Còn trên địa bàn tỉnh, đến nay Sở Công Thương Bình Thuận phối hợp tổ chức Phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý (tháng 4/2024) và Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc huyện Tuy Phong (tháng 7/2024). Kết thúc phiên chợ, ngành chức năng đã hỗ trợ và liên kết cho một số đơn vị kết nối với đại lý phân phối đưa hàng hóa sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng ở địa bàn cơ sở. Vừa qua, Hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa Bình Thuận và Đắk Lắk cũng được ngành tổ chức tại Phan Thiết. Theo ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, qua đây sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững với đa dạng chủng loại, chất lượng cao, giá thành hợp lý…
Được biết những tháng cuối năm nay, ngành Công Thương còn phối hợp tổ chức Đoàn giao thương và tham gia Hội chợ rau quả Asia Fruit Logistica 2024 tại Hồng Kông. Tiếp tục triển khai điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo tại 3 huyện trên địa bàn tỉnh theo chương trình xúc tiến thương mại… Đồng thời thực hiện kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận từng bước thâm nhập, tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành trong cả nước.