Không thể liên hệ
Ông N.H.A ngụ quận Tân Bình, TP.HCM có đơn tố cáo một chủ công trình không ghi rõ tên, xây dựng hàng rào lấn chiếm trái phép đất công, hành lang an toàn đường bộ... tại khu đất rộng 8.676,3 m2 đã có sổ đỏ với 7 cuốn thuộc dự án Du lịch Kim Hồng Thủy cũ (khu đất) ở khu phố Suối Nước, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Trong đó diễn giải việc lấn chiếm, kèm theo hình ảnh gửi đến các cấp, ngành bao gồm cả Chủ tịch UBND tỉnh.
Để rộng đường dư luận về vụ việc, chúng tôi liên hệ ông A theo số điện thoại có ghi trong đơn. Tuy nhiên, nhiều lần đầu dây bên kia cũng vẫn một giọng phụ nữ đáp: Không phải ông A. Tuy vậy khi liên hệ với UBND phường Mũi Né, nơi ông A đang bất bình việc tắc trách trong quản lý địa bàn để xảy ra xây dựng trái phép thì thấy mọi việc không đơn giản như phản ánh.
Chủ tịch UBND phường Mũi Né Bùi Ngọc Lâm cho biết, phường không chỉ nhận được đơn tố cáo của ông A mà còn đơn của nhiều người khác tố giác, đề nghị và yêu cầu giải quyết tranh chấp đất và xây dựng tường rào lấn chiếm đất ở khu đất Kim Hồng Thủy. Trong đó có bà P.A.T và bà P.T.L, người mua 3.195,2m2 trong tổng diện tích 8.676,3m2 đất của bà T, cả hai đều có địa chỉ ở TP. HCM.
Bà T và bà L đề nghị, yêu cầu UBND phường giải quyết việc ông Đ.T.K ở khu Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội xây dựng tường rào, lấn chiếm đất trái phép và đập phá công trình gắn liền diện tích khu đất Kim Hồng Thủy của mình. "Chúng tôi đã gửi thư mời họ đến hòa giải, trong đó có ông K và ông A, nhưng không thể liên lạc được. Giấy mời gửi đến các địa chỉ của họ qua đường bưu điện đều bị hoàn trả", ông Lâm nói thêm.
Mua bán sang nhượng phức tạp
Qua cứ liệu và số điện thoại phường Mũi Né cung cấp, chúng tôi đến địa chỉ khu đất và liên hệ với người có liên quan. Bà L từ đầu dây bên kia lên tiếng nói rằng, bà đang ở nước ngoài, khi nào cần bà gọi lại. Vậy ông A là ai, tố cáo với mục đích gì? Trong khi bà T và bà L nêu đích danh tên ông K tự ý xây tường rào trên diện tích đất này của mình và yêu cầu ngành chức năng giải quyết.
Trên thực tế khu đất này có nguồn gốc "sạch", nhưng sau đó mua bán, sang nhượng qua tay nhiều người rất phức tạp. Theo người dân khu phố Suối Nước và đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất của bà T, cách đây hơn 10 năm bà T và ông P.P.Th ở phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết góp vốn mua lại khu đất Kim Hồng Thủy của ông Lâm Trung Thu ở huyện Bình Chánh, TP. HCM với giá hơn 20 tỷ đồng (bà T góp hơn 17 tỷ, còn ông Th hơn 3 tỷ). Mọi thủ tục chuyển nhượng, tiền bạc bà T giao phó hết cho ông Th vì tin tưởng ông này là người ở địa phương. Sau đó, bà nhận được 7 cuốn sổ đỏ, rồi chuyển nhượng cho bà L 3.195,2m2 (tức là 1 cuốn sổ đỏ/7 cuốn), còn lại 6 cuốn.
Cho đến nay nhiều người đến khu đất này nhận là đất của mình và muốn tác động xây dựng trên đất. Trong đó có ông V.Q.B ở huyện Đông Anh, Hà Nội, người đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và TP. Phan Thiết tố giác ông Th nhận tiền đặt cọc 2 tỷ đồng của ông sau khi thỏa thuận sang nhượng một phần diện tích đất trong khu đất, nhưng sau đó ông Th đổi số điện thoại, chuyển đi nơi khác ở, cắt đứt liên lạc với ông. Ông K cũng có 6 cuốn sổ đỏ tương tự đang cầm trong tay, nên ông xây tường rào giữ đất giữa lúc tranh chấp… Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, đang điều tra ông Th vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Ông Th hiện đã đưa vợ con sang Mỹ. Trước đó, ông lừa tiền của rất nhiều người bằng cách cứ rao bán khu đất này cho hết người này người kia, rồi nhận tiền đặt cọc. Có người đã đặt cọc 3 tỷ đồng, trong thời gian chờ làm thủ tục sang tên, đã đến khu đất định xây dựng... Tôi nói họ mang sổ đến Phòng Đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết kiểm tra lại và phát hiện sổ giả”, ông T.T.Đ, người từng được thuê bảo vệ khu đất ở khu phố Suối Nước chia sẻ.
Người tố cáo lộ diện
Liên lạc với bà L không lâu thì chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là N.H.A, chủ nhân của đơn tố cáo đang sinh sống tại TP. HCM. Ông A khẳng định, mình chỉ là người đi đường, thấy người ta xây tường rào tại khu đất Kim Hồng Thủy có vẻ lấn chiếm cả đất hành lang an toàn đường bộ, bao chiếm trụ điện và hành lang an toàn lưới điện nên tố cáo.
Điều ông A nói không khớp với những gì chúng tôi ghi nhận trong thực tế, bao gồm cả lời kể của người dân Suối Nước và kết quả xác minh chính quyền địa phương. “Hàng rào này họ xây đúng ranh đất của họ không lấn chiếm hành lang đường bộ…”, ông Đ cho biết. UBND phường Mũi Né khẳng định, không có chuyện lấn chiếm đất ở đây như nội dung tố cáo. Vấn đề là, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp tại khu đất. “Chúng tôi đã gửi công văn đến Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đề nghị phối hợp cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất Kim Hồng Thủy. Nhưng họ trả lời, qua rà soát hồ sơ lưu trữ, hiện không thấy thông tin liên quan đến giấy chứng nhận, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với khu đất Kim Hồng Thủy. Và yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm thông tin cụ thể về khu đất để rà soát lại, tiện cho việc cung cấp…”, ông Bùi Ngọc Lâm cho biết.
Qua vụ việc cho thấy tính chất phức tạp, không đơn giản như đơn tố cáo, ngành chức năng cần xem xét, sớm giải quyết để không gây bất ổn địa phương. Người liên quan đến khu đất (bao gồm cả ông A nếu có liên quan), cần phối hợp, hỗ trợ với chính quyền địa phương tìm ra biện pháp giải quyết, chứ không tố cáo theo kiểu như bắt ai đó đơn phương giải quyết chuyện mình gây ra, ảnh hưởng hoạt động chung của cơ quan công quyền vốn còn rất nhiều việc phải làm.