Theo dõi trên

Tranh chấp đất đai gia tăng do nhiều nguyên nhân

23/03/2022, 05:56

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan đến trước đây người dân không quan tâm đến đất đai; quản lý, đo đạc lỏng lẻo... Khi trình độ nhận thức người dân nâng lên, cùng với đất đai có giá trị kinh tế cao nên xảy ra mâu thuẫn tranh chấp gia tăng.

Nguyên do...

Chưa bao giờ vấn đề đất đai lại “nóng” như hiện nay, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu liên quan nhu cầu cuộc sống nâng cao. Theo đó, đất đai trở nên cần thiết, đưa vào sử dụng trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch, dịch vụ... Từ đó giá trị đất nâng lên, tạo thành cơn “khát” của nhiều người. Còn nhớ những năm 2000 - 2010, nhiều gia đình có đất ở, đất sản xuất, sử dụng không hết đem cho người thân, bạn bè hoặc bán với giá chục triệu đồng/mẫu hoặc vài triệu đồng/sào. “Khoảng năm 2007, tôi bán có 8 triệu đồng gần 1 mẫu đất rẫy, thời đó ở đây ai cũng bán rẫy vì đường đi lối lại khó khăn”, ông Đông ở Bắc Bình nhớ lại.

Việc đo đạc diện tích đất bằng thước dây thủ công, người bán giao đất cho người mua vui vẻ nhận tiền. Ngay cả chính quyền địa phương cấp đất ở, sản xuất cho người dân, bao nhiêu họ cũng nhận không đắn đo suy tính. Khái niệm tranh chấp đất đai thời kỳ này dường như xa vời đối với người dân, ngoài vấn đề trộm cắp tài sản còn đơn thư khiếu nại về đất đai gửi UBND xã, phường rất hiếm, nhất là ở vùng thôn quê.

img_8526.jpg
Người dân lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất hợp thức hóa để trở thành của riêng mình.

Trái ngược, những năm gần đây, đơn thư khiếu nại tranh chấp, lấn chiếm đất rất nhiều. Chỉ riêng năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.975 đơn phản ánh, kiến nghị, tranh chấp, không kể đơn khiếu tố. Trong đó, chủ yếu liên quan đến đất đai. Những địa phương xảy ra tranh chấp nhiều nhất là ở các huyện, thị ven biển, nơi trọng điểm phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh. Người dân khắp nơi đổ xô về đây mua đất ở, đầu cơ “ăn theo” dự án đẩy giá đất lên cao. Những nông, ngư dân “chân lấm, tay bùn” quen với cuộc sống êm đềm sau trụ thanh long, ruộng lúa, bỗng thấy đất mang lại nguồn thu lớn quay sang “quản lý” kỹ đất của mình hơn. Họ bán bớt đi để xây nhà, sắm sửa phương tiện làm ăn nâng cao đời sống gia đình hoặc đầu tư để sinh lợi dài hạn. Chính vì “tấc đất, tấc vàng” như vậy nên nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan lợi ích cá nhân tạo ra đơn thư khiếu nại. “Trước kia, cả tháng không có đơn thư khiếu nại về tranh chấp đất đai hoặc có cũng chỉ 1 đơn, hiện nay trung bình 1 – 2 đơn/tuần. Phần lớn những tranh chấp không lớn, chỉ là xâm phạm hàng rào lối đi; lấn chiếm đất của nhau; diện tích đất thực tế so với trong sổ không chính xác do trước đây đo đạc thủ công bằng thước dây, bây giờ bằng máy móc, có sự biến động đất...”, ông Ngô Thái Thạnh Hưng – Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, thị xã La Gi chia sẻ vấn đề đất đai ở địa phương.

...Và cần nghĩ dễ, hiểu đúng

Chính quyền các địa phương đang rất áp lực giải quyết vấn đề đất đai, nguyên nhân đã rõ và giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý mới là điều cốt lõi. Nhiều lãnh đạo địa phương vì sợ liên đới trách nhiệm, nên khi giải quyết một vụ việc rất cẩn thận, áp dụng đúng theo quy định của Luật Đất đai, không thiên vị bất cứ ai. “Cứ áp theo đúng quy định làm, chẳng thà mất lòng trước được lòng sau, mình không làm đúng, mình chịu trước chứ không ai khác”, một cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện chia sẻ.

Điều đó để thấy quản lý đất đai đang trở nên chặt chẽ hơn, không phải ai muốn gì là được, người dân cũng nên hiểu. Nghĩ dễ vấn đề của mình, những gì ngành chức năng có thể giải quyết sớm thì đã giải quyết, còn không sẽ lâu hơn vì phải xem xét kỹ vụ việc theo đúng trình tự thủ tục hoặc không thể giải quyết được vì trái quy định. Bởi đất đai liên quan đến nhiều vấn đề bao gồm cả lợi ích giữa người này người kia... “Nhiều người lấn chiếm đất, bị cưỡng chế và đến xã đề nghị giải quyết. Họ cho rằng, chúng tôi còn nhỏ tuổi không biết gì về nguồn gốc đất. Tôi giải thích, chúng tôi giải quyết dựa trên bản đồ địa chính qua các thời kỳ, hồ sơ giấy tờ, bằng chứng tứ cận chứ không phải đất thực tế hoặc nghe ai”, một cán bộ địa chính xã nói.

Người dân không phải ai cũng như ai dù trình độ dân trí cao, trong đó có người đã nghĩ khiếu nại, khiếu kiện là con đường cuối cùng không ai muốn. Nếu tự giải quyến được sẽ hay hơn vì con đường này tốn kém không chỉ tiền của mà sức khỏe tinh thần đôi bên. “Cảm thấy tự mình giải quyết được thì làm, đừng khiếu kiện rườm rà, mất thời gian đi lại, tốn kém tiền của, sức lực. Mỗi người chịu thiệt một chút, cuộc sống yên ổn. Thực tế, có rất nhiều vụ án đất đai, nếu hai bên chịu nhường nhịn, chia sẻ thì không kéo dài ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Sức khỏe là thứ quý nhất, mọi thứ khác chỉ là phù du”, ông Lợi (68 tuổi), một cán bộ hưu trí ở phường Phú Thủy nói.

Chính quyền địa phương luôn đồng hành với dân giải quyết kịp thời những vụ việc, chỉ mong người dân nghĩ dễ, không đề cao quá vấn đề gây khó khăn cho đôi bên, kéo dài vụ việc.

Chỉ thị 10 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nêu rõ: Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý đất đai trên địa bàn, xử lý nghiêm xã, phường, thị trấn nào buông lỏng quản lý đất đai, để phát sinh tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích, giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng QSDĐ trái quy định...

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Án mạng từ tranh chấp đất đai
BT- Ngày 20/2, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh cho biết, nghi can Nguyễn Văn Cường (SN 1985), ngụ thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ, huyện  Hàm Thuận Nam đã thừa nhận mình là kẻ dùng hung khí đâm anh Nguyễn Tấn Đạt tử vong.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tranh chấp đất đai gia tăng do nhiều nguyên nhân