Chuyển từ trực tiếp sang hỗ trợ
Tính đến nay, toàn quốc đã bố trí hơn 50.000 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại các xã, thị trấn trong toàn quốc (đạt 100%). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Bình Thuận đã thực hiện và hoàn thành việc đưa Công an chính quy về xã vào tháng 9/2020. Có thể khẳng định, việc bố trí công an chính quy tại các xã đã tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT ở cơ sở, tạo sự phối hợp chặt chẽ và thuận lợi hơn trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác của công an cấp trên. Các chỉ số về ANTT, phòng chống tội phạm tại địa bàn cơ sở đều chuyển biến tích cực, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Với những hiệu quả của việc đưa công an chính quy về xã, khi Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, bên cạnh đa số quan điểm thống nhất phải ban hành luật này để huy động lực lượng đủ mạnh, đảm bảo phù hợp, hiệu quả phục vụ nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở cơ sở. Song cũng có một số ý kiến cho rằng không cần thiết phải bố trí lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng nữa nhằm giảm gánh nặng ngân sách. Để làm rõ vấn đề trên, trước hết phải nói đến vai trò, hiệu quả, hạn chế và những đóng góp của lực lượng này trong thời gian qua và sự điều chỉnh được quy định trong dự thảo luật.
Theo Công an tỉnh, dự thảo luật quy định kiện toàn, thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng thành một lực lượng chung, với tên gọi lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn tham gia vào tổ bảo vệ ANTT, làm nòng cốt trong mô hình tự quản về ANTT, hỗ trợ công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, phòng cháy chữa cháy và xây dựng phong trào. Như vậy, so với quy định hiện hành thì dự thảo luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của các lực lượng sau khi được kiện toàn, đó là chuyển từ quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm ANTT sang hỗ trợ công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Lực lượng cần thiết
Cùng với cả nước, tại Bình Thuận, những năm qua lực lượng này đã chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế, đóng góp tích cực thường xuyên vào nhiệm vụ giữ gìn ANTT. Chỉ riêng lực lượng dân phòng, từ năm 2020 đến nay, đã phối hợp công an cấp xã thực hiện trên 19.637 lượt tuần tra đảm bảo ANTT ở các khu dân cư. Qua đó phát hiện, phối hợp xử lý 409 vụ/449 trường hợp vi phạm pháp luật; cung cấp 2.038 tin có giá trị giúp lực lượng công an chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT. Tham gia hòa giải 645 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nên không để diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng; cung cấp 168 tin có giá trị liên quan đến công tác phòng cháy; tham gia chữa cháy 96 vụ cháy, nổ; cứu vớt 3 người bị nước lũ cuốn trôi, 9 người đuối nước.
Lực lượng bảo vệ dân phố cũng phối hợp ngăn chặn, xử lý 635 vụ/768 trường hợp tụ tập đua xe, gây rối trật tự, mua, bán trái phép chất ma túy, đánh bạc, trộm, cướp tài sản; tổ chức bảo vệ hiện trường 123 vụ tai nạn giao thông, cung cấp 162 tin có giá trị, tham gia hòa giải 204 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Đáng chú ý, trong năm 2020, 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng bảo vệ dân phố đã tích cực tham gia trực 24/24 đảm bảo ANTT tại các điểm chốt phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ lực lượng công an đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Song song đó, Công an xã bán chuyên trách ở các thôn được đánh giá cơ bản thực hiện tốt công tác nắm tình hình, phối hợp quản lý chặt nhân khẩu, các loại đối tượng trên địa bàn thôn; phát hiện và cung cấp cho Công an xã nhiều nguồn tin về ANTT như: trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy. Ngăn chặn và giải quyết kịp thời các vụ việc thanh thiếu niên tụ tập đánh nhau gây rối trật tự công cộng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm căn cước công dân góp phần hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh những thống kê trên cũng như trong thực tế cho thấy, bất kỳ một vụ việc liên quan đến ANTT khi xảy ra dù lớn hay nhỏ thì công an viên thôn, bảo vệ dân phố, dân phòng là một trong những người luôn đến hiện trường đầu tiên, để bảo vệ hiện trường, để hòa giải và làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự xã hội. Họ làm việc gần như 24/24 giờ, không quản ngại mưa nắng, ngày hay đêm để giữ cho địa bàn bình yên. Từ những nội dung được quy định trong dự thảo luật có thể khẳng định, với việc điều chỉnh các lực lượng như dự thảo sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách, góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối. Quy định như dự thảo bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật. Thiết nghĩ, với những đóng góp quan trọng của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, dân phòng cũng như để đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình hiện nay thì việc duy trì lực lượng này và xây dựng luật để tinh gọn thống nhất lực lượng để quy về một mối là điều cần thiết, phù hợp. Bởi họ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để làm nhiệm của mình và mục tiêu cao nhất của dự thảo luật phát huy vai trò từng lực lượng trong giữ gìn ANTT ở cơ sở…