Theo dõi trên

Yếu tố bất ngờ giúp Nga giành ưu thế trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu

27/09/2022, 08:58

Các chuyên gia nhận định rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu diễn ra như thế nào phần lớn phụ thuộc vào yếu tố rất khó kiểm soát, đó chính là thời tiết.

Mùa đông đầy thử thách của châu Âu

Khi mùa đông sắp tới gần, cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước châu Âu. Trên thực tế, EU không chỉ cần đạt được mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt, mà còn quyết tâm chính trị trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến đẩy lùi lực lượng Nga.

Vào năm 2021, Nga đã gây ảnh hưởng đến giá năng lượng tại châu Âu với các mối đe dọa cắt giảm nguồn cung. Điều này thúc đẩy EU chuyển sang các nhà cung cấp năng lượng mới, làm tổn thương nghiêm trọng các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng, buộc một số nước phải đưa ra biện pháp để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, quyền định giá năng lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã suy giảm khi thị trường phớt lờ các tuyên bố của Điện Kremlin.  

Theo Politico, điều này có thể thay đổi khi nhiệt độ bắt đầu giảm vào mùa đông. Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu diễn ra như thế nào phần lớn phụ thuộc vào điều mà không chuyên gia hay chính trị gia nào có thể dự đoán được, đó chính là thời tiết.

“Nếu có một chút may mắn với điều kiện thời tiết, chúng ta sẽ có cơ hội vượt qua mùa đông một cách dễ dàng khi thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.

Một mùa đông lạnh giá có thể gây ra tình trạng bất ổn chính trị ngày càng gia tăng về giá cả sinh hoạt và sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine nếu người dân ở khu vực này phải chịu cảnh khó khăn do tình trạng mất điện. Các nhà phân tích dự đoán rằng, một mùa đông ôn hòa với nguồn cung năng lượng có cơ hội được bổ sung nhiều hơn sẽ cho phép các nhà lãnh đạo EU chiến thắng trước quân bài khí đốt của Nga.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về tình hình thời tiết trong mùa đông tới cũng như lượng mưa và gió sẽ như thế nào để phục vụ cho quá trình sản xuất năng lượng tái tạo. Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của EU, ông Carlo Buontempo, cho biết, các thị trường năng lượng thường chú ý đến dự báo thời tiết vào mùa đông được đưa ra vào tháng 11.

“Đến lúc đó, hầu hết các yếu tố lớn ảnh hưởng đến nhiệt độ đều đang diễn ra. Ở giai đoạn hiện tại, vẫn còn khá sớm để dự đoán bất kỳ điều gì”, ông Buontempo nói.

Đòn khí đốt của Nga đang suy giảm?

Các nhà ngoại giao EU đang thể hiện sự lạc quan thận trọng rằng kho dự trữ khí đốt sẽ đủ cho mùa đông tới để tránh viễn cảnh ác mộng khi gặp phải tình trạng mất điện. Các cơ sở lưu trữ khí đốt trên toàn EU đã đầy 86%, vượt mục tiêu đạt mức đầy 80% vào tháng 11. Một nhà ngoại giao EU dự đoán rằng, ngay cả khi Nga cắt 9% khí đốt còn lại từ Moscow sang EU, liên minh vẫn có thể tránh được tình trạng mất điện.

Chuyên gia Massimo Di Odoardo, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Wood Mackenzie (Anh), cho biết việc châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt tự nhiên qua các nguồn khác ngoài Nga là lý do giúp dự trữ khí đốt của khu vực được làm đầy nhanh.

Trong khi đó, giá khí đốt đã ổn định trong bối cảnh các nước EU và Ủy ban châu Âu (EC) đang tiến hành các biện pháp để bình ổn. Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs có trụ sở tại New York cho biết, gần đây họ dự kiến ​​giá khí đốt sẽ giảm xuống dưới 100 euro/MWh trong 3 tháng đầu năm 2023, thấp hơn so với mức giá cao kỷ lục vào tháng 8/2022 là 346 euro/MWh.

Các nhà lãnh đạo EU có thể đã “mừng thầm” từ những tín hiệu cho rằng khả năng tăng giá khí đốt của Nga có thể đã chạm trần.

Vào đầu tháng 9, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Sau thông báo này, giá khí đốt chỉ tăng trong thời gian ngắn và nhanh chóng giảm xuống, khiến một nhà phân tích tuyên bố rằng quân bài khí đốt của Nga có thể đã hết tác dụng.

“Mọi thứ vẫn rất tồi tệ, nhưng có dấu hiệu trở nên tốt hơn”, Francois Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.

Bên cạnh đó, động thái phát lệnh huy động một phần của Tổng thống Putin vào tuần trước, hầu như không làm thay đổi giá khí đốt. Giá khí đốt hiện vẫn ở mức dưới 200 euro/MWh.

Aslak Berg, nhà kinh tế học và là cựu cố vấn của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu, cho rằng việc Nga giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể.

“Tuy nhiên, đó là điều chỉ có thể làm một lần. Hiện tại, việc này đang gây ra sự đau đớn, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ giảm theo thời gian. Các quốc gia châu Âu sẽ tìm thấy các nguồn cung năng lượng khác và dần thích nghi với tình hình”, chuyên gia Berg nói.

Yếu tố không ngờ tới trong cuộc chiến năng lượng

Politico nhận định rằng, yếu tố thời tiết vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu.

Phân tích từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng nếu nhiệt độ mùa đông năm nay tương đương với mức trung bình 5 năm qua, châu Âu có thể vượt qua mùa đông với chỉ hơn 1/4 công suất lưu trữ khí đốt còn lại. Nếu Nga có hành động mạnh mẽ hơn với việc cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt sang EU, khối này sẽ còn lại khoảng 15% lượng khí đốt trong kho dự trữ vào cuối mùa đông.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ”, Kateryna Filippenko, nhà phân tích thị trường khí đốt của công ty Wood Mackenzie, nói.

Chuyên gia Filippenko cho rằng, nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung và thời gian tới là mùa đông lạnh nhất trong 20 năm qua, với thời tiết tương đương với năm 2010-2011, thời điểm chứng kiến tháng 12 lạnh nhất trong 100 năm ở Anh và nhiệt độ thấp hơn mức trung bình trên khắp Bắc Âu, thì giá khí đốt “chắc chắn sẽ tăng”, yêu cầu EU phải tăng mục tiêu cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt.

Đây sẽ là một yêu cầu lớn đối với các quốc gia đang lo lắng về tác động của việc phân chia khẩu phần khí đốt. Người tiêu dùng trong nước có thể sẽ được hỗ trợ trong thời gian lâu dài nhưng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lo ngại sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. Sản xuất kim loại và xi măng, cũng như lĩnh vực phân bón và hóa chất nằm trong số những ngành công nghiệp có nguy cơ cao nhất.

Các nhà phân tích dự đoán rằng việc bổ sung kho dự trữ khí đốt của EU trong năm 2023 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2022, khi giá khí đốt có thể sẽ tăng. Điều đó nghĩa là ngay cả khi châu Âu dễ dàng vượt qua mùa đông năm nay, khu vực này vẫn phải đối mặt với những lo lắng về năng lượng trong tương lai.

Tốc độ của việc EU có thể quay trở lại mức dự trữ khí đốt an toàn vào năm 2023 một phần phụ thuộc vào lượng khí đốt còn sót lại từ mùa đông năm nay. Trong khi đó, mức tiêu thụ khí đốt lại phụ thuộc phần lớn vào thời tiết./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mỹ trừng phạt các quan chức Iran vì cái chết của một cô gái
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng cảnh sát Iran vì liên quan cái chết của Mahsa Amini, người mà bị họ bắt giữ do mang khăn trùm đầu “không đúng cách”.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yếu tố bất ngờ giúp Nga giành ưu thế trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu