Theo dõi trên

Nhiều “tàu 67” làm ăn có lãi

06/02/2017, 10:41

BT- Nói đến “tàu 67” nhiều người liền nghĩ đến Phú Quý, bởi nơi đây chiếm hơn 2/3 lượng “tàu 67” trong tỉnh. Anh Châu Minh Cương ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh vay Agribank Phú Quý 4 tỷ đồng để đóng tàu 500 CV, tàu “xuống nước” tháng 7/2015, hoạt động ở Nhà giàn (Trường Sa), 3 chuyến đầu đã có doanh thu hơn 800 triệu đồng. ông Nguyễn Tiến ở thôn Mỹ Khê, vay Agribank Phú Quý 4,8 tỷ đồng đóng mới tàu 500 CV, tàu hạ thủy tháng 8/2015, đi 3 chuyến ở Trường Sa, chuyến đầu lãi 150 triệu đồng, chuyến thứ 2 lãi 400 triệu đồng và chuyến thứ 3 được 1 tỷ đồng…Ở thôn Mỹ Khê còn có anh Nguyễn Hưng vay 4,3 tỷ đồng để đóng mới tàu  650 CV, qua 5 chuyến đi biển ở Trường Sa anh thu lãi trên 500 triệu đồng. Toàn huyện Phú Quý hiện có 1.187 chiếc/ 89.328 CV, công suất tăng 16.901 CV so với năm 2010.

                
Tàu 67 của ông Bạch Lòng đang khai thác có    hiệu quả.

Kết quả bước đầu khảo sát về hiệu quả kinh tế của một số “tàu 67” của ngư dân đã đi vào hoạt động cho thấy có hiệu quả, các chủ tàu rất phấn khởi. Tàu cá đóng mới của ông Võ Hạnh, Nguyễn Văn Quáng, Bạch Lòng và tàu cá nâng cấp của ông Trần Thanh Dũng ở La Gi đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển. 2 chuyến biển đầu của ông Võ Hạnh, Nguyễn Văn Quáng, nghề lưới rê xù hoạt động có hiệu quả, mỗi lao động biển chia phần được 8 - 10 triệu đồng. Tàu cá của ông Bạch Lòng, nghề mành chụp, hoạt động trên biển được 2 chuyến, chuyến đầu hoạt động do ngư lưới cụ mành chụp không phù hợp nên đã vào bờ sửa chữa. Chuyến thứ 2 hoạt động hơn 10 ngày, chia mỗi phần bạn được 10 triệu đồng. Tàu cá nâng cấp của ông Trần Thanh Dũng, nghề lưới rê xù hoạt động trên biển chuyến đầu tiên 18 ngày, chia mỗi phần bạn hơn 3 triệu đồng. Chuyến thứ hai hiện đang hoạt động trên biển được 4 ngày. Tàu cá của ông Nguyễn Tấn Nguyên và ông Nguyễn Văn Vinh, nghề mành chụp mới hoạt động trên biển được hơn 10 ngày, hoạt động ở vùng biển Kiên Giang.

Ở  thị xã La Gi có anh Võ Hạnh, ngụ khu phố 7, khi khởi hành chuyến đầu tiên chiếc “tàu 67” BTH 79749 - TS đánh bắt được hơn 4 tấn cá thu và ngừ từ đảo Côn Sơn. Gặp thời điểm đầu năm còn khan hàng, cá lại có trọng lượng  4 - 5 kg nên giá khá cao. Chuyến ra khơi ấy anh lãi trên 300 triệu đồng. Làm ăn được, anh Hạnh đã đầu tư thêm 1 chiếc “tàu 67” BTH 79289 - TS. Tổng 2 chiếc tàu của anh trị giá gần 20 tỷ đồng, trong đó anh vay của Agribank 13,5 tỷ đồng. Mỗi tháng 2 tàu đều xuất bến ra khơi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa khoảng 20 ngày, cả 2 tàu đều làm ăn hiệu quả. Anh cho biết: “Riêng 2 tàu của tôi đến nay đã ra khơi được 17 chuyến, hàng tháng doanh thu khoảng 200 triệu đồng, lãi ròng gần 100 triệu đồng. Đặc biệt, trong số những ngư dân vay tiền đóng “tàu 67”, anh Hạnh là người khá gương mẫu khi hàng tháng ngoài trả lãi đúng hạn, anh còn trả thêm tiền gốc, đến nay anh đã trả hơn 600 triệu tiền gốc cho Agribank La Gi…

 Ông Phạm Văn Trịnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, Phó Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh, cho biết: Để góp phần phát triển kinh tế thủy sản, cải thiện đời sống bà con ngư dân và góp phần bảo vệ vùng biển đảo, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, nhất là Agribank đã cho vay lĩnh vực thủy sản với dư nợ 2.918 tỷ đồng/ 17.808 khách hàng. Trong đó riêng chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, các TCTD trên địa bàn đã quan tâm bám sát địa bàn, hướng dẫn khách hàng hoàn tất thủ thủ tục vay vốn. Đến 31/12/2016, đã tiếp cận 166/179 tàu được UBND tỉnh phê duyệt, đã nhận 97 hồ sơ của khách hàng có nhu cầu vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 74 hồ sơ, đang xử lý 22 hồ sơ, từ chối cho vay 1 hồ sơ do cung cấp thông tin vay vốn không đúng. Tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 519,4 tỷ đồng, đã giải ngân được 450,6 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 6 (có thời điểm đứng thứ 2, 3) trong số 26 tỉnh đã giải ngân cho vay theo NĐ 67. Dư nợ đến 31/12/2016 đạt 450,4 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 203 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 236,5 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 10,9 tỷ đồng). Đến nay, Bình Thuận đã có 65 chiếc tàu hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất gồm: 52 chiếc của Phú Quý, 8 chiếc của La Gi, 4 chiếc của Phan Thiết và 1 chiếc của Tuy Phong, với 60 tàu vỏ gỗ, 5 tàu vỏ thép.  Ngoài ra, để giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, trong năm 2016 thực hiện chủ trương hỗ trợ máy thông tin liên lạc của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã phối hợp Ban Chỉ đạo 67 tỉnh thực hiện đăng ký nhận gói hỗ trợ máy thông tin liên lạc cho ngư dân Bình Thuận và đã được phân bổ 50 máy VX-1700, hiện NHNN tỉnh đang trong quá trình liên lạc, phối hợp với đơn vị tài trợ để đưa máy đến với ngư dân.

Có thể nói những đồng vốn được vay theo Nghị định 67 đang làm thay đổi cả tư duy và cách làm ăn của ngư dân. Loại bỏ dần những tàu nhỏ không hiệu quả, đầu tư tàu lớn có năng lực vươn khơi không chỉ là bài toán làm kinh tế bền vững mà ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Ghi chép của Đại Lực



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều “tàu 67” làm ăn có lãi