Theo dõi trên

Tăng cường phòng bệnh thủy sản

08/11/2017, 09:57

BT- Thời tiết mưa bão thất thường xuất hiện khiến môi trường nước thay đổi đột ngột dễ làm các loại thủy sản nuôi bị “sốc”, nhiễm bệnh, gây tổn thất cho người nuôi. Do đó, việc tập trung chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản cần được các địa phương và người nuôi chú trọng.

Theo đánh giá của Chi cục Thú y và Chăn nuôi, tuy thời tiết có những thay đổi thất thường, nắng nóng sau đó lại có những cơn mưa to kéo dài làm môi trường nước thay đổi đột ngột ảnh hưởng môi trường nuôi của một số loài thủy sản. Tuy nhiên, nhìn chung từ đầu năm đến nay tình hình nuôi và dịch bệnh trên thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tôm giống được xem là ngành lợi thế, chủ lực của tỉnh, nên việc giám sát chặt chẽ, kiểm dịch tôm giống lưu thông được xem là khâu quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở sản xuất giống với 683 trại, chủ yếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Sản xuất tôm giống tiếp tục phát triển và phát huy lợi thế, tính đến 15/10, sản xuất và tiêu thụ tôm giống đạt 20 tỷ post, đạt 105,3% KH năm, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản của tỉnh năm 2017, Chi cục Thú y và Chăn nuôi thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ các trạm ở các địa phương và hộ chăn nuôi. Đặc biệt, công tác giám sát, thực hiện công tác kiểm dịch các trại sản xuất tôm giống bố mẹ và tôm giống xuất đi được tăng cường. Hàng tháng, chi cục tiến hành thu mẫu giám sát dịch bệnh tại các hộ nuôi gửi đi Cơ quan Thú y Vùng VI tiến hành xét nghiệm giám sát các bệnh trên tôm. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm được thông báo cho địa phương, hộ chăn nuôi. Riêng đối với các mẫu bệnh, chi cục thông báo sớm nhất cho các hộ nuôi để xử lý và theo dõi.

 Tính riêng trong tháng 10, chi cục tổ chức lấy 21 mẫu xét nghiệm trên post tôm thẻ chân trắng và tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại địa bàn các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, La Gi. Kết quả các mẫu trên đều âm tính đối với bệnh đốm trắng (WSV), hoại tử cơ quan tụy cấp (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV). Chi cục đã khuyến cáo chủ ao nuôi sau khi thu hoạch cần vệ sinh, khử trùng ao nuôi.

Đối với thủy sản nước ngọt có sự ổn định chủ yếu nuôi trong ao đất, các hộ nuôi chủ yếu thu hoạch diện tích đã thả năm 2016. Có thể nói, từ đầu năm đến nay tình hình nuôi trồng thủy sản thuận lợi, giá cả ổn định nên các hộ tích cực thả giống. Sản lượng nuôi thương phẩm 10 tháng toàn tỉnh ước đạt 10.234 tấn, đạt 83% KH năm. Ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Nghị Đức (Tánh Linh) có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi các loại cá truyền thống luôn quan tâm tới việc phòng, chống dịch bệnh cho cá. Đầu vụ ông vệ sinh ao kỹ bằng cách thả vôi bột xuống đáy ao. Hàng tháng, rắc vôi bột 2 lần và sử dụng thêm chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi. Những ngày thời tiết biến động cho cá ăn vừa phải, không để cá ăn quá no, dễ gây hại đường ruột. Chịu khó bỏ công chăm sóc tốt, không chờ đến lúc có bệnh mới chữa cho cá... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lịch thời vụ, phương pháp cải tạo ao nuôi, thả giống đã qua kiểm dịch, xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng nuôi an toàn dịch bệnh…

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường phòng bệnh thủy sản