Theo dõi trên

2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU: Khởi sắc công nghiệp tỉnh nhà

22/02/2024, 05:30

.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU); các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương đã thường xuyên phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

dsc_2711.jpg
Điện gió Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Ảnh: Đình Hòa

Có thể khẳng định qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, công nghiệp Bình Thuận đã thực sự khởi sắc rõ nét. Các khu công nghiệp tỉnh đã thu hút 11 dự án đầu tư thứ cấp (10 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 1.614 tỷ đồng và 1 dự án FDI với vốn đầu tư 3,6 triệu USD), lũy kế đến nay, đã thu hút 88 dự án đầu tư thứ cấp (62 dự án đầu tư trong nước và 26 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.910 tỷ đồng và 230,46 triệu USD). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch đúng định hướng. Đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác và phát huy lợi thế về công nghiệp năng lượng tái tạo của tỉnh, nhất là điện gió, điện mặt trời. Các nhà máy sản xuất điện hoạt động góp phần bảo đảm cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, an ninh năng lượng quốc gia và tạo nguồn thu ngân sách ổn định cho tỉnh. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển công nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng và có 27 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư, thu hút nhiều dự án đầu tư thứ cấp, giải quyết việc làm ổn định cho lao động. Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng hàng năm và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận thực tế là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản nhỏ lẻ, chưa phát triển; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, quy mô sản xuất lớn, các dự án đầu tư công nghệ cao gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu. Tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Cải cách hành chính chuyển biến còn chậm, nhất là việc phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư còn hạn chế. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp. Chưa tính 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: Kho cảng LNG Sơn Mỹ, vốn đăng ký 31.434 tỷ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I, vốn đăng ký 47.464 tỷ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II, vốn đăng ký 49.509 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành công nghiệp giai đoạn 2022 - 2023 đạt 5,75%/năm (Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra giai đoạn 2021 - 2025 tăng 11,5 - 2,5%/năm). Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong việc tham mưu thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm. Các bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp chậm được tháo gỡ; những vướng mắc trong việc xác định giá đất cụ thể, công tác bồi thường, tái định cư chưa được giải quyết kịp thời.

cong-nghiep.jpg
Quần áo may sẵn - một trong những sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Ảnh: Đình Hòa

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế rút ra sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Tỉnh ủy đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là tập trung lãnh đạo phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Tăng cường huy động nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông, gắn với hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt phương châm “lấy đầu tư công thúc đẩy, dẫn dắt đầu tư tư”. Sớm triển khai hình thành Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Hàm Tân - La Gi và Khu công nghiệp Tân Đức. Phấn đấu đến năm 2030 hình thành được 1 khu công nghiệp công nghệ cao, hiện đại. Cải thiện môi trường đầu tư, mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, khoa học - công nghệ hiện đại để dẫn dắt, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, tăng năng suất lao động. Phát triển nhanh thương mại điện tử. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển nguồn nhân lực. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư phát triển công nghiệp, tập trung nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm; thực hiện đầy đủ, đúng quy định về đánh giá tác động môi trường; ưu tiên lựa chọn các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Kiên quyết thu hồi các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai, chậm triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích, mục tiêu của dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Tiếp tục duy trì các kênh đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chủ động nắm chắc tình hình, tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu, cụm công nghiệp và các địa bàn có đông công nhân sinh sống; kịp thời ngăn chặn, giữ gìn an ninh, trật tự và xử lý tốt các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ…

P.V


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nơi khách hàng gửi niềm tin
Không chỉ thực hiện cho vay “tam nông”, nông nghiệp công nghệ cao, Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận còn cho vay phát triển công nghiệp, du lịch nhằm giúp khách hàng có đủ nguồn lực tài chính đầu tư dài hạn, bền vững, cùng tỉnh nhà tăng tốc phát triển kinh tế. Để hiểu rõ vấn đề, phóng viên Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Câu – Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận...
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU: Khởi sắc công nghiệp tỉnh nhà