“Điểm tựa” cho người nghèo
Ngày 4/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, ngày 14/01/2003, Ngân hàng CSXH tỉnh được thành lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH Quyết định thành lập 09 Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã. Từ đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, cấp huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp là chi nhánh NHCSXH tỉnh (kiêm điều hành tại Phan Thiết) đi vào hoạt động triển khai thông suốt các chương trình tín dụng ưu đãi được Chính phủ giao. Với phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, hiệu quả.
Cán bộ NHCSXH cùng đoàn thể kiểm tra sử dụng vốn hộ vay
20 năm qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCS), việc thực hiện TDCS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình TDCS. Hình ảnh những cán bộ ngân hàng với chiếc áo hồng đã trở nên quen thuộc với người dân. Những đồng vốn nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đã giúp cho hàng chục ngàn người dân trong tỉnh thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ vốn vay TDCS người dân trồng cây ăn trái hiệu quả
Trường hợp ông Nguyễn Văn Thuận ở bản 2, xã La Ngâu (Tánh Linh) là một ví dụ. “Khi nghe tuyên truyền trên loa phát thanh vay vốn TDCS của Nhà nước, lúc đó tôi chưa hình dung ra sao. Rồi được Hội Nông dân xã hướng dẫn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) họp bản lại bình xét gia đình tôi là hộ nghèo được vay 40 triệu đồng lãi suất ưu đãi để mua 1 con bò và mua cây giống điều, cao su về trồng, tôi mừng khôn xiết. Từ đồng vốn ban đầu làm ăn hiệu quả đến nay, đàn bò sinh sản bán đi, nay còn lại 4 con, vườn điều, cao su mỗi năm trừ chi phí thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng và gia đình đã thoát nghèo”, anh Thuận chia sẻ. Hay chị Hồ Thị Huyền ở thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), gia đình thuộc diện hộ nghèo chỉ có 2 sào đất trồng hoa màu, vợ chồng chị hễ ai thuê gì làm nấy. Còn nhớ năm 2018, khi đứa con trai đầu của chị đỗ vào Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng vừa mừng vừa lo vì không biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Chị Huyền nhớ lại: “Khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn thủ tục vay vốn học sinh, sinh viên (HSSV) với số tiền 60 triệu đồng, gia đình lấy đó làm động lực cố gắng làm ăn. Tôi còn mạnh dạn đề xuất vay thêm 40 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Chăn nuôi hiệu quả, từ 2 con bò giống đẻ sai nên đàn bò tăng dần lên, tôi bán một số xoay xở để đầu tư cây ăn trái, nay gia đình đã thoát nghèo. Nếu không được vay vốn của NHCSXH, gia đình tôi không thoát khỏi sự nghèo và con tôi khó theo đuổi ước mơ đại học”.
Vốn vay đưa nước sạch về vùng nông thôn
Giúp 61,3 ngàn hộ dân thoát nghèo
20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với tổng doanh số cho vay 10.528 tỷ đồng được chuyển tải kịp thời đến trên 597 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn TDCS đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, giúp cho người nghèo vươn lên, thay đổi nhận thức sử dụng hiệu quả vốn vay. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn TDCS còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho trên 14 ngàn lượt người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ giúp 11 doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh nhận xét: Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện TDCS trên địa bàn toàn tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình TDCS góp phần quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn TDCS đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,96% thời điểm đầu năm 2002 đến cuối năm 2021 còn 3,2% đời sống của nhân dân đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.
20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 61,3 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 67 ngàn lao động được tạo việc làm, trên 65 ngàn lượt HSSV khó khăn vay vốn học tập, 341,5 ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường được cải tạo và xây mới và gần 4,1 ngàn ngôi nhà cho hộ nghèo, 287 căn nhà cho người có thu nhập thấp được hỗ trợ xây dựng…