Hiện trạng rừng sản xuất tại Hàm Thuận Nam. |
Cụ thể, 6 dự án gồm dự án Kênh tiếp nước Suối Măng – Cây Cà, huyện Bắc Bình, diện tích 48,58 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng sản xuất 48,32 ha, ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 0,26 ha; Dự án Kênh tiếp nước Sông Móng – Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, diện tích 6,11 ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất; Dự án Kênh tưới xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, diện tích 16,52 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng sản xuất 5,59 ha, ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 10,93 ha; Dự án Kênh chính Đông cấp nước khu Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình, diện tích 23,76 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ 2,22 ha, rừng sản xuất 21,54 ha; Dự án Đường lâm nghiệp Mỹ Thạnh đi Đông Giang, diện tích 14,45 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ 5,95 ha, rừng sản xuất 6,7 ha, ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 1,8 ha; Dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Sông Quao, diện tích 5,76 ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ 5,62 ha, rừng sản xuất 0,13 ha.
Để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ dự án khẩn trương thực hiện, bổ sung đầy đủ các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với 6 dự án nêu trên. Đồng thời tiếp tục rà soát theo hướng giảm diện tích có rừng xuống mức thấp nhất và theo hướng ưu tiên sử dụng diện tích đất chưa có rừng, đất rừng trồng, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại điểm 2 mục II Công văn số 2160/BNN-TCLN ngày 19/3/2018. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các nội dung có liên quan đối với phương án đền bù giải phóng mặt bằng diện tích rừng của 6 dự án. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập hồ sơ môi trường đối với 6 dự án nêu trên, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Trong đó, chú ý phải có nội dung đánh giá tác động môi trường do việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
TRUNG LƯƠNG