Theo dõi trên

8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa Bình Thuận phát triển

09/05/2023, 05:24

Thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa Bình Thuận phát triển toàn diện, năng động, có hệ sinh thái phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; thúc đẩy tăng trưởng xanh, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột...

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tình hình các mặt của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi rõ là kinh tế tăng trưởng khá và có sự bứt phá trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng liên kết, hợp tác, thu hút đầu tư, thúc đẩy khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa... được quan tâm chỉ đạo thực hiện; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận đạt kết quả khá toàn diện.

z4307822517543_35c850ee72c351534c235aab9e89f54e.jpeg
Một góc quang cảnh NovaWorld Phan Thiet - xã Tiến Thành - TP. Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Bên cạnh những kết quả trên, Bình Thuận cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, GRDP bình quân đầu người thấp hơn bình quân chung của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh Tây Nguyên; hạ tầng thủy lợi còn khó khăn. Biến đổi khí hậu đã tác động đến nhiều mặt của tỉnh; vùng ven biển bị xâm thực, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân... Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên nhân của những khó khăn trên chủ yếu là do nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa kịp thời.

Phát triển toàn diện, năng động

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã ký ban hành Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định mục tiêu tổng quát là phát triển toàn diện, năng động, có hệ sinh thái phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột (công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Quốc phòng – an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

bt-5.jpg

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa Bình Thuận phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ lãnh đạo quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 26. Trong đó xác định liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu để kết nối, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Song song, tập trung hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển.

bt.jpg

Mặt khác, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Trong đó, sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

bt-2.jpg

Không dừng lại, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, hoàn thành tuyến đường ven biển theo quy hoạch, kết nối tỉnh Bình Thuận với các tỉnh duyên hải Trung bộ; các tuyến đường kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông), đoạn qua địa bàn tỉnh với các đầu mối giao thông quan trọng, hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các khu, điểm du lịch trọng điểm. Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, bao tiêu nông sản hàng hóa, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo...

bt-3.jpg

Đối với công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu...

Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 từ 7,5 - 8,0%. GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2030 đạt 7.800 USD. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân từ 9,0 - 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 36 - 38% so với GRDP trong giai đoạn 2021 - 2030. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50,8%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ 10 - 25%...

THU HÀ


(2) Bình luận
Bài liên quan
Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (tác phẩm). Nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cốt lõi trong tác phẩm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đưa Bình Thuận phát triển