Theo dõi trên

An toàn thực phẩm ngày tết, những vấn đề cần quan tâm

18/01/2022, 06:44

BT- Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân tăng cao, cũng là cơ hội để thực phẩm bẩn trà trộn. Bên cạnh các nguồn hàng thực phẩm được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh, còn có một số lượng lớn thực phẩm khác nhập từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ.

Do đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) các mặt hàng phục vụ tết đang là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng và “cảnh giác” của người tiêu dùng.

img_20200417231903.jpg
Tăng cường kiểm tra ATTP, đảm bảo người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn.

Để tự bảo vệ mình và người thân trước tình trạng “bủa vây” của “thực phẩm bẩn”, đặc biệt trong các ngày tết, một số người đã tìm đến giải pháp tình thế như mua từ các đầu mối uy tín, chất lượng hoặc mua trực tiếp tại lò mổ, mua rau củ quả tại nơi sản xuất... mới yên tâm về chất lượng. Thực tế rất khó để trở thành người tiêu dùng thông thái khi thủ đoạn “phù phép” từ đồ ôi thiu sang đồ ăn hấp dẫn, đóng gói bắt mắt đang được những người không có lương tâm lạm dụng, làm giả.

Trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền thường xuyên trong năm và bảo đảm ATTP dịp tết. Ở Bình Thuận, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc với những đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, mối lo “thực phẩm bẩn” vẫn thường trực với mỗi gia đình, đặc biệt trong dịp tết đến xuân về.

Luật vệ sinh an toàn thực phẩm đã được ban hành với những chế tài xử lý vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất vệ sinh ATTP, cần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Ngoài việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành ATTP và nâng cao cảnh giác của người tiêu dùng.

Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, cần có sự hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP; đồng thời đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.

Song song, cần tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn. Có làm được như vậy, ngày xuân mới trọn vẹn niềm vui, bữa cơm ngày tết không còn ám ảnh bởi thực phẩm bẩn.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022
BTO- Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 trên địa bàn Bình Thuận do UBND tỉnh xây dựng sẽ được thực hiện từ nay đến hết ngày 12/3/2022.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn thực phẩm ngày tết, những vấn đề cần quan tâm