Theo dõi trên

Áp lực từ lãi suất tăng

08/11/2022, 05:29

LTS: Cuộc đua hút vốn giữa các ngân hàng ngày càng hấp dẫn thiết lập mặt bằng giá mới lãi suất huy động. Song “nước lên thuyền lên”, mặt bằng lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng lên tác động đến doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn về nguồn vốn vay.

Xu hướng lãi suất có tiếp tục tăng cuối năm?

Hiện nay thị trường lãi suất sôi động khi các ngân hàng liên tục đưa ra các mức lãi suất huy động cạnh tranh, kéo theo lãi suất cho vay tăng lên. Liên quan đến xu hướng lãi suất những tháng cuối năm 2022, ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh có trao đổi với phóng viên Báo Bình Thuận xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận.

Ông có thể thông tin về tình hình lãi suất huy động, lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?

Ông Phạm Văn Trịnh: Hiện nay, thị trường tiền tệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lãi suất huy động và cho vay đang có chiều hướng tăng lên. Cụ thể: Lãi suất huy động có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6 - 6%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 5,7 - 8,5%/năm, kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 6,2 - 8,9%/năm. Lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm (QTDND là 6,5%/năm), các lĩnh vực khác phổ biến từ 8-10%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 10 - 13%/năm.

Nguyên nhân lãi suất tăng gần đây là do nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là áp lực về lạm phát, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Cụ thể NHNN Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022 như sau: Đó là Quyết định số 1809 về tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; Quyết định 1812 về tăng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD). Và Quyết định 1813 về tăng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng.

Việc NHNN Việt Nam điều chỉnh và công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành CSTT là phù hợp với Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước số 46/2010/QH12 của Quốc hội, nhất là trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường như hiện nay.

Thưa ông, ông nhận định xu hướng tăng lãi suất hiện nay có là xu hướng ổn định từ nay đến hết năm 2022?

Ông Phạm Văn Trịnh: NHNN Việt Nam dự báo lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao và sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất tạo sức ép lên lạm phát của nước ta, NHNN Việt Nam đã xác định kiểm soát lạm phát là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, hài hòa, thận trọng các công cụ CSTT, đặc biệt là lãi suất và điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) để đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ theo các mục tiêu đề ra. Do đó trong tương lai gần, từ nay đến hết năm 2022, lãi suất sẽ tạm thời ở mức bằng hoặc cao hơn một chút so với hiện nay chứ chưa có xu hướng giảm.

Đối với các doanh nghiệp cần vốn họ lo ngại về khả năng tiếp cận vốn khi mặt bằng lãi suất tăng, về phía NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận, ông có những chia sẻ gì xung quanh những lo ngại này?

Ông Phạm Văn Trịnh: Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay đang là một thực tế không thể phủ nhận trong tình hình hiện nay. Nhưng trên con đường vươn ra biển lớn, ít có doanh nghiệp không phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Trong quá khứ các doanh nghiệp cũng đã nhiều lần đối mặt với thách thức rồi, ví dụ như khủng hoảng tài chính châu Á 1997, suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008, dịch Covid-19 vừa qua. Tôi chia sẻ với các doanh nghiệp về những khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay. Đợt suy thoái lần này chắc sẽ sớm qua thôi, tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn để vững bước trên con đường phát triển của mình.

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ được xem như  "cái phao" hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (Ảnh Đ.Hòa)

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là thời điểm cuối năm, NHNN có giải pháp gì? Và “cái phao” giúp người dân, doanh nghiệp gỡ khó trong sản xuất, kinh doanh cuối năm là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, ông có thể thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này?

Ông Phạm Văn Trịnh: Từ nay đến cuối năm, NHNN Việt Nam sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31/2022/NĐ-CP: NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị để triển khai kịp thời chính sách này cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong 11 ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, NHNN tỉnh đã tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông tin, gửi tài liệu giải đáp cho các hiệp hội ngành nghề, liên minh HTX tỉnh Bình Thuận. Công bố danh sách điện thoại, đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp đối với những trường hợp từ chối hỗ trợ không đúng quy định.

Kết quả đến 30/9/2022, doanh số cho vay đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất đã đạt là 112 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 62 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi là 72 triệu đồng.

Xin cảm ơn ông!

THANH DUYÊN (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Các tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận vừa phát thông báo đến các tổ chức tín dụng trong tỉnh thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực từ lãi suất tăng