Khởi đầu nhiều khó khăn…
Khi Chương trình GDPT 2018 ở cấp TH yêu cầu thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, các trường TH trên địa bàn huyện Bắc Bình gặp khó khăn về bố trí học sinh/lớp và cơ sở vật chất chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu... Minh chứng, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có tỷ lệ phòng học/lớp 451/485 (tỷ lệ 92,3%). Do đó, số trường tiểu học chưa đủ điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là 12 trường (tỷ lệ 30%). Tổng số lớp 485, trong đó 372 lớp 2 buổi/ngày (76.7%), 51 lớp từ 6 - 8 buổi/tuần (10,5%), 62 lớp 1 buổi/ngày (12,8%). Toàn huyện có 32/34 trường giảng dạy môn tiếng Anh, tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh 68,4%; môn tin học có 16 trường thực hiện, có 26,6% học sinh học môn tin học.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số nơi thiếu giáo viên tiểu học và các môn chuyên như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật... Mặt khác, một số giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, còn ngại khó, ngại khổ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giảng dạy chưa nhiều, nhất là giáo viên vùng khó khăn gặp trở ngại trong tiếp cận thông tin…
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Bình Võ Anh Kiệt cho biết: Trước tình hình đó, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện gắn kết đồng bộ với các chương trình, kế hoạch liên quan công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân, đề ra giải pháp, giao trách nhiệm rà soát tham mưu tổ chức thực hiện cho các ban, ngành liên quan phối hợp cùng Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện. Điều quan trọng là UBND huyện đã chỉ đạo gắn kết chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 trên địa bàn huyện cùng với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025...
Cùng với đó, tập trung công tác tuyên truyền cộng đồng, xã hội, chính quyền địa phương và đặc biệt là cha mẹ học sinh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, về lộ trình thực hiện chương trình GDPT 2018. Mặt khác, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học. Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và tham mưu UBND huyện tiến hành tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới. Tích cực tham mưu UBND huyện có các giải pháp huy động đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học. Đầu tư xây dựng phòng học còn thiếu, thay thế các phòng học xuống cấp...
Chuyển biến tích cực
Kết quả, huyện đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí để xây sửa trường học ngày càng khang trang, sạch đẹp và mua sắm các thiết bị phục vụ cho chương trình dạy học mới. Tính đến đầu năm học 2022-2023, toàn huyện bố trí 1 lớp/1 phòng (tỷ lệ 97,5%); số lớp học 2 buổi/ngày (đạt tỷ lệ 97,1%); 33/34 trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Trong đó, 100% các trường dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1,2,3 theo CTGDPT 2018. 100% các trường tổ chức dạy tiếng Anh và tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 theo đúng yêu cầu của CTGDPT 2018...
“Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự tích cực trong công tác truyền thông thường xuyên của các trường đã làm cho cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu và đồng hành với ngành giáo dục trong việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018. Từ đó, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 5 và các lớp còn lại của cấp THCS và THPT theo lộ trình”, ông Kiệt cho biết thêm.