Theo dõi trên

Bám biển hay nằm bờ?

01/07/2022, 05:34

Đã vào vụ cá nam, thời tiết thuận lợi nhưng ghe thuyền vẫn neo đậu dày đặc, kín cả khúc sông phía hạ nguồn sông Cà Ty chảy ra cảng cá Cồn Chà (Phan Thiết)... Giá xăng dầu đã tăng lần thứ 7, liên tục phá các kỷ lục, bám biển hay nằm bờ? Lựa chọn nào cũng khó với ngư dân lúc này.

Giá dầu diesel từ 17.579 đồng/lít (cuối năm 2021) đến ngày 21/6/2022 đã lên 30.010 đồng/lít (tăng thêm 12.441 đồng/lít). Xăng dầu tăng cao kéo theo giá lương thực, thực phẩm, đá cây… tăng theo, khiến chi phí cho chuyến biển quá lớn, trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ kéo dài từ nửa tháng đến một tháng. Nếu chuyến đi biển không trúng cá thì cầm chắc lỗ, nên tâm lý ngư dân lúc này ngại ra khơi. Tính chung cả nước có khoảng 40 - 55% tàu cá ngừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của ngư dân, ảnh hưởng cả đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngành khai thác thủy sản gặp khó kéo theo cả chuỗi chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản gặp khó vì thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng vạn lao động làm các nghề dịch vụ ven biển. Dự báo giá xăng dầu thế giới còn “neo” ở mức cao trong 6 tháng cuối năm, nên hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ta tiếp tục bị ảnh hưởng.

tau-ca.jpg
Ảnh minh họa.

Để kịp thời hỗ trợ ngư dân, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng sản xuất do giá xăng dầu tăng, thời gian hỗ trợ là 6 tháng (với mức từ 3 - 4,4 triệu đồng/người/tháng).

Ở Bình Thuận, 2 năm qua ngành du lịch và thủy sản bị ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19, trong đó du lịch giảm tới đáy. Năm nay, trong khi du lịch - dịch vụ đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, số lượng du khách liên tục tăng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm, thì thủy sản tiếp tục gặp khó do cú “bồi” giá xăng dầu phi mã. Một dự báo nữa là xuất khẩu nông sản, nhất là thanh long, sẽ tiếp tục gặp khó trong nửa cuối năm nay, do Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chính sách “Zero Covid”.

Dịch bệnh vừa qua thì “bão giá” ập tới. Đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sau kỳ họp thứ ba vừa qua đã ghi nhận nhiều ý kiến lo lắng của cử tri khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp liên tục tăng mạnh, trong khi giá nông sản giảm, khó tiêu thụ, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống. Không chỉ bà con nông, ngư dân mà cán bộ công chức, công nhân, các tầng lớp lao động trong xã hội cũng đang chật vật xoay xở trong “bão giá”, phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu. Nhân dân đều mong muốn Nhà nước triển khai kịp thời các biện pháp bình ổn giá cả vật tư, phân bón, xăng dầu và giá nông sản.

Trong khi chờ các chính sách hỗ trợ mới, Bình Thuận đang cố gắng vận dụng tốt chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho hàng ngàn tàu đánh bắt xa bờ (theo QĐ 48 của CP), tiếp tục vươn khơi tới quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Đồng thời khuyến cáo ngư dân hoạt động theo mô hình tổ - đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển, để hỗ trợ nhau trong khai thác, tiêu thụ, cứu nạn cứu hộ, bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, tăng thu nhập mỗi chuyến biển.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Chuyện nhỏ” mà không nhỏ
BTO- Cách đây mấy ngày, trên mạng xã hội có một clip được chia sẻ và bình luận khá nhiều. Trong clip, các hot girl ngực trần nhảy múa uốn éo khiêu gợi trên bàn nhậu, thực khách là các quý ông ngồi xung quanh bàn khoái trá thưởng thức.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bám biển hay nằm bờ?