Bên cạnh việc ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật; lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Báo chí còn đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân hiệu quả, trong đó có phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Điển hình trong trợ giúp pháp lý (TGPL), những năm qua thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, nhất là Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình đẩy mạnh TGPL trong nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu - Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết, để công tác TGPL được nhiều người biết đến, trung tâm phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận, cộng tác với Báo Bình Thuận đưa các tin, bài, có nội dung về hoạt động TGPL lên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, trung tâm đã phối hợp với Đài Truyền hình quay 4 tiểu phẩm gồm, “Chia thừa kế”, “Nhờ đứng tên trên sổ tiết kiệm có đòi được không”, “Đòi lại tài sản đã tặng cho”, “Bồng bột” do trung tâm thực hiện. Đây là hoạt động mới triển khai năm 2023, khi phát sóng được đông đảo người dân đón nhận và có nhiều phản hồi tích cực. Thông qua câu chuyện pháp luật, tình huống pháp luật diễn ra trong thực tế giúp người dân có thêm các kiến thức pháp luật để vận dụng vào cuộc sống cũng như tuyên truyền cho người khác nắm bắt các quy định pháp luật, tránh vướng vào các tranh chấp, khiếu kiện do thiếu hiểu biết pháp luật. Đồng thời, giúp người dân biết đến hoạt động TGPL miễn phí của trung tâm. Qua đó phát huy hiệu quả tối đa trong công tác TGPL, một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, đi sâu vào cuộc sống. Vì hiện nay người dân còn tư tưởng chỉ quan tâm đến pháp luật khi gặp các vướng mắc, ít chủ động tìm hiểu pháp luật.
Theo đó, so với các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác thì loại hình phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật trên báo chí có lợi thế, thu hút đông đảo bạn đọc trong nước và ở nước ngoài hơn. Do đặc thù của báo chí là thực hiện hoạt động thông tin, yêu cầu cơ bản của thông tin là phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật, nếu không thông tin sẽ trở nên lỗi thời, không còn tính hấp dẫn. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên báo chí luôn đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy vậy, để góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền phổ biến pháp luật trên báo chí hơn nữa, việc thường xuyên có các chương trình, chuyên mục pháp luật là cần thiết. Cụ thể, các chương trình, chuyên mục: giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật; phản ánh thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật thông qua các vụ việc cụ thể liên quan đến pháp luật hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước; thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo chí; nêu gương người tốt - việc tốt, nhân tố mới trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật, nhất là những cá nhân, tổ chức dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vô trách nhiệm, những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm...
Làm được điều đó vừa đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, vừa cần có kiến thức pháp luật và những điều kiện khác. Do đó, cần sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và báo chí trong việc xây dựng và duy trì các chương trình, chuyên mục pháp luật. Như vậy, có thể nói, trên mặt trận tư tưởng - văn hóa nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng, báo chí đóng vai trò là cầu nối quan trọng đưa pháp luật vào cuộc sống, được tiếp tục phát huy hiệu quả.