Có dịp đi công tác Bắc Bình, một trong những “vựa” lúa lớn của tỉnh, tôi hỏi thăm nông dân về BHNN trên cây lúa, thì ai cũng mong ngóng việc thí điểm trở thành hiện thực. Những năm gần đây, hiệu quả sản xuất trên cây lúa không như nhiều người mong đợi, bởi chi phí ngày một tăng cao nhưng giá thành sản phẩm thì vẫn bình chân như vại. Năng suất lúa bình quân hằng năm của những nông dân ở khu vực này tuy đạt khá cao, khoảng 55 tạ/ha nhưng cũng chỉ đủ bù chi phí sản xuất, chứ hiếm khi sinh lợi nhuận. Vì vậy, dù cả đời gắn bó với cây lúa, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng hy vọng duy nhất của nhiều người “chân lấm tay bùn” nơi đây là lúa được mùa để... không phải mua gạo ăn! Tuy nhiên, nếu không hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì có kỹ thuật chăm bón tốt cỡ nào cũng có thể gãy gánh giữa chừng. Thế mới có chuyện nông dân bị thất thu ngay thời điểm cứ ngỡ là chắc ăn nhất. Do đó việc có BHNN được ví như bùa hộ mệnh trong những lúc ngặt nghèo.
Còn nhớ những năm 2005 - 2009, khi con tôm sú đang thời hoàng kim, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh nhanh chóng trở thành tỷ phú. Xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) từng được xem là một trong những “vựa” tôm của cả tỉnh, người người nhà nhà đổi đời cũng từ đây. Song, những năm gần đây, dịch bệnh liên tục, khiến nhiều tỷ phú nuôi tôm năm nào giờ thành…trắng tay! Những người nuôi tôm lão làng ở khu vực này cho biết, ngoài chi phí đầu tư cho con tôm quá lớn, người nông dân còn phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Do đó, khi BHNN được thí điểm, họ vui mừng ra mặt, sẵn sàng tham gia vì mức độ rủi ro cao và nhiều người xác định: Tham gia BHNN cũng là một cách đầu tư. Khi gặp sự cố do thiên tai, dịch hại, bảo hiểm sẽ là “phao cứu sinh” giúp họ giảm gánh nặng, có cơ hội tái đầu tư. Tuy nhiên, BHNN vẫn chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh, vì sao?
Người nuôi tôm mong muốn BHNN sớm được triển khai để giảm bớt gánh nặng khi gặp rủi ro. |
Theo thống kê của Bộ Tài chính, sau thời gian triển khai thí điểm BHNN trên cây lúa, vật nuôi và thủy sản ở 20 tỉnh, thành phố, kết quả có hơn 304 nghìn hộ dân tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm trên 7.700 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng. Số tiền bồi thường là gần 713 tỷ đồng. Vì vậy, các đơn vị bảo hiểm phải bù lỗ 30 - 40%, dù đã được Nhà nước hỗ trợ... Những con số trên phản ánh khá rõ bức tranh “tối màu” của BHNN. Biết rằng, BHNN góp phần chia sẻ khó khăn với nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, đối tượng tác động của BHNN quá rộng, nên rất khó kiểm soát. Đặc biệt, do hạn chế về trình độ chuyên môn, các đơn vị bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và kiểm soát quy trình sản xuất nông nghiệp. Và nếu người dân sản xuất sai quy trình, thiệt hại xảy ra sẽ được xử lý như thế nào? Bởi, điều kiện canh tác và thổ nhưỡng khác nhau nên các đối tượng sẽ có những quy trình kỹ thuật sản xuất không giống nhau. Vì vậy, việc xác định thiệt hại và khung bồi thường sẽ dễ rơi vào tình trạng “kẻ cười người mếu”. Do đó, việc lo ngại một số người trục lợi bảo hiểm là điều khó tránh khỏi.
Để BHNN sớm được triển khai và đi vào cuộc sống, các đơn vị bảo hiểm cho rằng, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống bảo hiểm đồng bộ và áp dụng cho từng đối tượng, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm, ngành nông nghiệp tỉnh cần tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa và tập trung. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần phải nghiên cứu và xây dựng quy trình phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, phải xác định BHNN là loại hình bảo hiểm phi thương mại, Nhà nước cũng phải có chính sách đầu tư thỏa đáng. Có như vậy, BHNN sẽ nhanh chóng được triển khai rộng rãi, giúp người nông dân giảm bớt gánh nặng và yên tâm sản xuất.
M.Vân