Theo dõi trên

Bảo tồn văn hóa qua việc dạy và học tiếng Chăm

27/11/2024, 05:45

Huyện Hàm Thuận Bắc đang tích cực triển khai việc giảng dạy tiếng Chăm trong các trường tiểu học, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa của cộng đồng người Chăm.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Trong năm học 2024-2025, có 3 trường tiểu học trên địa bàn huyện tham gia giảng dạy tiếng Chăm, bao gồm tiểu học Hàm Phú 1, tiểu học Lâm Giang, và tiểu học Lâm Hưng. Tổng cộng, 527 học sinh thuộc 23 lớp đang theo học chương trình này. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc, 3 trường tiểu học giảng dạy tiếng Chăm bắt đầu từ năm học 2022 – 2023 với quy mô 21 lớp với 494 học sinh, năm học 2023 – 2024 tăng lên 22 lớp với 516 học sinh và năm học 2024 – 2025 tăng lên 23 lớp với 527 học sinh. Số lớp và số học sinh học tiếng Chăm đều tăng lên, điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số và văn hóa dân tộc.

Học sinh chăm chú học rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Chăm.

Cả 3 trường học đều đặt ở trung tâm thôn có đồng bào Chăm, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường. Trong suốt quá trình triển khai chương trình dạy tiếng Chăm, cấp ủy, chính quyền huyện và ngành chức năng xác định rõ dạy tiếng Chăm cho học sinh Chăm không chỉ là nhiệm vụ giáo dục mà còn là một cách để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như sự đa dạng dân tộc trong huyện. Chương trình này nhằm giúp học sinh yêu quê hương, ý thức về cội nguồn, và nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Mặc dù còn một số khó khăn như thiếu giáo viên có chuyên môn, huyện đã tích cực tuyển chọn và bồi dưỡng 10 giáo viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Những giáo viên này đã tham gia các lớp bồi dưỡng và đều có tinh thần trách nhiệm cao. Việc đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số (tiếng Chăm) được nhà trường thường xuyên quan tâm, kiểm tra, rà soát để bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn, nhất là trong việc trang bị đầy đủ sách giáo khoa và thiết bị giảng dạy.

Một giờ học tiếng Chăm tại Trường tiểu học Lâm Giang.

Đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Chăm đều sáng tạo và tâm huyết nỗ lực khắc phục khó khăn để giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ một cách sinh động và hiệu quả. Ông Dương Văn Đông – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: "Trong năm học này, các trường đã chủ động sao chép sách giáo khoa từ các năm trước để đáp ứng nhu cầu học tập, trong khi nhà xuất bản chưa tái bản sách kịp thời. Các giáo viên cũng tự chế tạo đồ dùng dạy học như thẻ âm, vần, bảng phụ và tranh ảnh khắc phục tình trạng thiếu thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình giáo dục phổ thông môn học tiếng dân tộc thiểu số quy định tại Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT/2020...".

Hiệu quả từ việc dạy tiếng Chăm

Trường tiểu học Lâm Giang ở xã Hàm Trí là điểm sáng trong quá trình dạy học tiếng Chăm tại huyện Hàm Thuận Bắc. Trường hiện có 10 lớp với 279 học sinh, trong đó 261 em là người Chăm. Năm học 2024-2025, trường đã bố trí 4 giáo viên chuyên môn để dạy tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp học 2 tiết/tuần theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Giang, cho biết gần như toàn trường là học sinh người Chăm, nhưng không phải em nào cũng học tốt môn tiếng Chăm, đặc biệt là kỹ năng viết. Để cải thiện tình hình này, nhà trường đã phân loại học sinh theo năng lực và hoàn cảnh gia đình, từ đó áp dụng các biện pháp giảng dạy phù hợp. Các giáo viên còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh những người hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Chăm để hỗ trợ con em ôn luyện tại nhà luyện nói và viết, từ đó nâng cao chất lượng học tập. Nhờ đó, đã mang lại kết quả tích cực, giúp học sinh không chỉ thành thạo ngôn ngữ mà còn hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc mình. Chính nhờ những nỗ lực từ phía nhà trường, phụ huynh và Phòng Giáo dục, chất lượng học tập của học sinh tại các trường dạy tiếng Chăm đã có sự tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ chuyên cần trong các giờ học tiếng Chăm luôn ở mức cao, và không có học sinh nào bị đánh giá yếu kém trong môn học này. Tất cả học sinh đều hoàn thành chương trình tiểu học, trong đó tỷ lệ học sinh đạt thành tích xuất sắc chiếm từ 17% - 20%, còn học sinh tiêu biểu chiếm từ 27,3% - 28,9% trong những năm gần đây.

Bên cạnh việc dạy tiếng Chăm, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm thúc đẩy niềm yêu thích học tập và khám phá văn hóa của học sinh. Trong các dịp lễ hội truyền thống như Ka tê, học sinh được khuyến khích tham gia các cuộc thi viết bằng tiếng Chăm, giúp các em không chỉ rèn luyện kỹ năng mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa qua từng con chữ. Cô Thu Vân nhận xét: “Các em khối lớp 4 và 5 bây giờ viết một đoạn văn ngắn bằng tiếng Chăm là chuyện dễ dàng”.

Tuy vậy, một số khó khăn về trang thiết bị dạy học và cập nhật sách giáo khoa tiếng Chăm các cấp có thẩm quyền cần quan tâm nhằm đảm bảo giáo viên và học sinh có đầy đủ tài liệu, công cụ phục vụ hiệu quả cho việc giảng dạy và học tập. Để duy trì và phát triển chương trình dạy tiếng Chăm, Phòng Giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí tổ chức các lớp phổ cập tiếng Chăm cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT cần triển khai các lớp bồi dưỡng tiếng Chăm cho giáo viên chưa có chứng chỉ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho những năm tiếp theo. Việc chỉ đạo, hướng dẫn mở các lớp phổ cập tiếng Chăm cho đồng bào Chăm không chỉ để duy trì và phát triển ngôn ngữ Chăm mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm.

CÁT TƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Chuyển đổi nghề cho hộ nghèo dân tộc thiểu số
Đó là hành động thiết thực mà Hàm Thuận Bắc cũng như nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi nghề cho hộ nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025.
Nổi bật
Phát huy dân chủ ở cơ sở, khẳng định vai trò trung tâm của người dân
Dân chủ ở cơ sở không chỉ là nền tảng của một xã hội công bằng, minh bạch, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tại Bình Thuận, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trung tâm của người dân trong việc xây dựng chính quyền gần dân, hiểu dân và vì dân...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn văn hóa qua việc dạy và học tiếng Chăm