Theo dõi trên

Chuyện ghi ở vùng đồng bào DTTS Bình Thuận

22/10/2024, 05:06

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Người đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận luôn chịu thương, chịu khó, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

img_20181101_135049.jpg
Người DTTS ở Bình Thuận chịu thương chịu khó

Thực tế minh chứng

Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với 104.066 người, sống quây quần với đồng bào Kinh ở 10 huyện, thị, trong đó đông nhất là Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân, Tuy Phong. So với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát điểm thấp. Nhưng đổi lại họ chịu thương, chịu khó vươn lên trong cuộc sống và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

anh-1-.jpg
Người đồng bào DTTS hiến đất làm đường.

Điều này minh chứng trong những lần đi cơ sở của chúng tôi về các xã có đông đồng bào DTTS, khi cảm nhận họ chịu khó làm ăn cải thiện cuộc sống gia đình, giữ gìn an ninh trật tự; đóng góp sức mình, sức của xây dựng quê hương... Đơn cử, đồng bào DTTS ở xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, hăng say lao động, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào địa phương. Ông Phạm Ngọc Thanh - Bí thư Chi bộ thôn 2, thuần đồng bào DTTS của xã Suối Kiết nói: “Toàn thôn 427hộ/1.582 khẩu, chủ yếu là dân tộc Raglay. Trong thôn có nhiều mô hình hay như mô hình ánh sáng an ninh, mô hình an toàn giao thông, mô hình trụ cờ, mô hình trồng bông hai bên đường giao thông… Bà con ở đây chấp hành khá tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn”.

20220705_062736.jpg
Những chuyến xe chở lao động là người DTTS về các Khu công nghiệp.

Với người DTTS ở xã La Dạ ở huyện Hàm Thuận Bắc, họ cũng không ngần ngại hiến đất làm đường giao thông nông thôn, điển hình như hai trường hợp của chị em bà B’Rông Thị Phương, B’Rông Thị Phước ở thôn 2, hiến đất làm đường dẫn vào Khu sản xuất Suối Cát 35 ha. Với họ, mỗi mét đất cho đi là làm một việc ý nghĩa cho cả cộng đồng. Trong khi đó người đồng DTTS ở xã Thuận Hòa và nhiều xã khác đã biết thoát khỏi nương rẫy, đi rừng hái lượm thu nhập không ổn định, hòa mình vào cùng người Kinh đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Điều đó thể hiện họ đang nỗ lực vượt qua cái nghèo, hủ tục lạc hậu vươn lên làm chủ chính mình.

img_1723.jpg
Người đồng bào DTTS xem tờ rơi trong một buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp tổ chức.

Trong những lần tham gia tiếp xúc cử tri, nghe phổ biến giáo dục pháp luật do tỉnh, huyện về tổ chức ở địa phương, người đồng bào DTTS rất chịu khó lắng nghe, tiếp thu kiến thức pháp luật... Vì thế ở vùng đồng bào DTTS rất ít xảy ra vấn đề gì lớn liên quan an ninh chính trị.

img_1501.jpg
Tham gia các cuộc thi pháp luật của huyện tổ chức.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc

Từ thực tế trên cho thấy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành và chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo tinh thần các quyết định của Trung ương. Cụ thể, Quyết định số 2561/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng DTTS”; Quyết định số 1163/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2017 – 2021 và các giai đoạn tiếp theo...

img_4780.jpg
Chiến sĩ công an xuống cơ sở hỏi thăm một người đồng bào DTTS ở Đông Giang.

Đến nay tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có bước phát triển rõ nét; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, nổi lên nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, trong đó có mô hình “tự quản, tự phòng”. Điển hình ở các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Thuận Hòa… của huyện Hàm Thuận Bắc, xã nào cũng có các mô hình: Ánh sáng an ninh, phòng chống ma túy, cán bộ chức sắc xung kích phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật… Theo đánh giá tổng quát của huyện Hàm Thuận Bắc tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV năm 2024, thời gian qua các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đã cụ thể hóa và triển khai các văn bản của cấp trên về công tác dân tộc đến từng thôn, xóm đạt được những kết quả tích cực. Đa số người đồng bào DTTS ở đây yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không chỉ riêng đồng bào DTTS ở huyện Hàm Thuận Bắc, ở các huyện khác cũng tương tự, việc này thể hiện Bình Thuận đã thực hiện khá tốt chính sách dân tộc, đúng như phương hướng, mục tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ III, giai đoạn 2019 – 2024 đặt ra. Trong đó có việc phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng vùng đồng bào DTTS của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy vậy, an ninh trật tự vùng đồng bào có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố thiếu ổn định, như tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông… Do một bộ phận người đồng bào DTTS trình độ còn thấp, khả năng tiếp cận pháp luật và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất hạn chế; chưa nỗ lực vươn lên trong sản xuất, còn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách Nhà nước, hỗ trợ của xã hội.

Để vùng đồng bào DTTS tỉnh phát triển toàn diện theo kịp với các vùng khác trên địa bàn tỉnh, cấp ủy các cấp, ban, ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người đồng bào DTTS nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tạo niềm tin, gắn với phát huy đúng mức quyền làm chủ của người đồng bào DTTS. Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Câu chuyện chuyển đổi số ở vùng cao
Về vùng cao Hàm Thuận Bắc giữa lúc cả tỉnh đang quyết liệt triển khai Đề án 06, để đồng hành với cán bộ tư pháp, chiến sĩ công an, tôi mới thấy hết nỗi vất vả, gian nan trong nỗ lực chuyển đổi số nơi vùng cao.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ghi ở vùng đồng bào DTTS Bình Thuận