Theo dõi trên

Khi đồng bào Chăm canh tác lúa “thông minh”

12/12/2024, 14:40

Vụ mùa năm nay, 11 hộ đồng bào Chăm Phan Hòa tham gia mô hình canh tác lúa “thông minh” xen kẽ ướt khô, giảm lúa giống… Từ việc bỡ ngỡ với cách làm mới, lo lắng vì gieo lượng giống quá thưa so với truyền thống. Nhưng khi được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, nông dân không chỉ sản xuất lúa để bán gạo, mà còn tăng thêm nguồn lợi lớn từ bán tín chỉ carbon…

“Tin” từ lợi nhuận thực nhận

Vào thời điểm thu hoạch rộ, cánh đồng lúa dọc hai ven đường quốc lộ đi qua huyện Bắc Bình bạt ngàn một màu vàng ánh, trĩu hạt. Ở những chân ruộng đã thu hoạch xong, bà con tranh thủ đưa máy cày xuống làm đất, chuẩn bị vụ mới. Cùng chung sự tất bật, hối hả ấy, ngay từ sáng sớm, một số hộ đồng bào Chăm xã Phan Hòa đã có mặt ở đồng ruộng Cút, thôn Bình Minh. Sau hơn 90 ngày, kể từ khi bà con xuống giống, chị Văn Thị Đề Oanh – một trong những hộ tham gia mô hình phấn chấn khi thấy mọi người có mặt đông đủ ở cánh đồng lúa.

_lan1466.jpg
Chị Oanh (áo vàng) cùng cán bộ khuyến nông tại cánh đồng lúa ""thông minh" .Ảnh N. Lân

Hôm ấy là buổi hội thảo mô hình “Trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao” của Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện. Vụ mùa năm nay, 11 hộ đồng bào Chăm của xã được hỗ trợ giống, chi phí đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật nên mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích 3,4 ha, được đánh giá là thành công ngoài mong đợi.

4ab67e14d28968d73198.jpg
Anh Văn Hồng Xuân (giữa) chia sẻ niềm vui với doanh nghiệp hỗ trợ mô hình. Ảnh K.H

Thành công, bởi theo như lời chị Oanh - Phan Hòa là nơi đầu tiên của tỉnh thực hiện mô hình canh tác lúa “thông minh”, giảm phát thải khí nhà kính. Chị Oanh miêu tả chi tiết rằng, bà con được cán bộ chuyên môn hướng dẫn quy trình canh tác lúa áp dụng “1 phải 6 giảm” (giảm giống, giảm thuốc, giảm phân, giảm nước, giảm thất thoát, giảm khí phát thải). Ông Nguyễn Thành Hưởng –Kỹ sư trưởng Công ty BSB Nano Technology là người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nhấn mạnh thêm: “Khâu quan trọng của canh tác lúa “thông minh” là áp dụng tưới “ướt khô xen kẽ”. Khi canh tác lúa “thông minh”, cán bộ kỹ thuật sẽ đặt ra một nhật trình siết nước cụ thể, khoa học theo ngày cụ thể để bà con thực hiện dễ nhất”.

Theo ông Hưởng, cây lúa phát triển trong vòng 95 – 100 ngày thì chỉ khoảng 50 ngày cần nước, đây là thời gian làm cỏ, bón phân. Thời gian còn lại phải siết nước đi. Khi ruộng khô, ráo nước sẽ hạn chế được nhánh đẻ muộn, tập trung chất dinh dưỡng cho các nhánh lúa hữu ích. Phơi ruộng tạo điều kiện phân hủy các chất hữu cơ, phì dưỡng tích tụ trên bề mặt, mặt khác giảm phát thải khí mêtan do quá trình phân hủy yếm khí. Mục đích là để bảo vệ môi trường nước ngọt, giảm phát thải mêtan, giảm sâu bệnh hại. Từ đó hướng đến nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động đến môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Thực tế là cây lúa nở bụi tốt, nhánh lúa đơm bông nhiều, chắc và mẩy hạt, năng suất tăng 5 - 8%, lợi nhuận tăng hơn 20% so với ruộng đối chứng nhờ chi phí sản xuất giảm. Với hộ chị Oanh, ở 5 sào ruộng ngoài mô hình đối chứng thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhưng ở 5 sào tham gia mô hình, dù chi phí giảm nhiều, nhưng vẫn thu lãi hơn 10 triệu đồng, nên rất phấn khởi.

_lan1490-1-.jpg
Thu hoạch lúa ”thông minh” tại Phan Hòa. Ảnh: N.Lân

Thay đổi tư duy canh tác

Bắc Bình được xem là vựa lúa phía Bắc của tỉnh, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng lúa với diện tích hơn 39.300 ha/năm. Cánh đồng lúa Phan Hòa – nơi tôi đang đứng là điểm nhấn trồng lúa “thông minh” đầu tiên được chọn của Bình Thuận. Hộ anh Văn Hồng Xuân – đồng bào Chăm xã Phan Hòa tham gia mô hình với diện tích 2 sào. Dù còn vài ngày nữa mới thu hoạch, nhưng anh Xuân khi cầm trên tay bông lúa chín, nhẩm tính: Năng suất ruộng lúa này đạt khoảng 8 tấn/ha, giảm chi phí đầu tư, ít sâu bệnh còn lúa trồng ở ngoài mô hình chỉ khoảng 6,5 – 7 tấn/ha.

_lan1471.jpg
Mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên kết thực hiện.

Cùng có mặt ở cánh đồng lúa “thông minh” hôm ấy, ông Trần Minh Tiến – Tổng Giám đốc Công ty CP Net Zero Carbon (đơn vị đồng hành với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình) đánh giá: Tính tới thời điểm này, dự án cho thấy nhiều kết quả tích cực. Riêng các hộ đồng bào Chăm Phan Hòa thực hiện không khác nhiều ở những nơi công ty đã liên kết thực hiện. Theo ông Tiến, Phan Hòa nói riêng và Bình Thuận nói chung có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, cùng với hệ thống thủy lợi rất tốt, tạo nên sự thành công của mô hình. Dự kiến lượng carbon quy đổi mà mô hình thực hiện tại Bình Thuận đạt được khoảng 3,5 tấn/ha. Điều này đồng nghĩa bên cạnh lợi nhuận từ sản xuất lúa, đồng bào có thêm điểm thưởng khoảng hơn 2 triệu đồng/ha từ việc giảm phát thải carbon.

c0088t01.jpg
Đặt ống đo nước tại ruộng theo phương pháp ướt khô xen kẽ thời điểm xuống giống (ảnh N. Lân)
c0032t01.jpg
Trình diễn máy bay phun thuốc không người lái tại xã Phan Hòa thời điểm xuống giống lúa (ảnh N. Lân)

Cùng vui chung với sự thành công của đồng bào Chăm tại địa phương, ông Bá Hoàng Anh Tuân - Chủ tịch UBND xã Phan Hòa chia sẻ: “Toàn xã có diện tích sản xuất lúa hơn 6.300 ha/năm. Nhiều năm qua, bà con vẫn giữ phương pháp canh tác lúa truyền thống, sử dụng một số giống lúa nhiều năm, liên tục trên cánh đồng. Do đó dẫn đến lúa kháng thuốc, kháng sâu, bệnh hại và cho năng suất thấp. Mặt khác, bà con thường áp dụng gieo sạ giống từ 25 – 35 kg/sào, chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, chất lượng chưa đạt được như mong muốn. Năm nay, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và doanh nghiệp liên kết, mô hình sản xuất “1 phải, 6 giảm” mang lại lợi nhuận cho bà con. Từ hiệu quả thực tế nhận được, đồng bào đã dần thay đổi nhận thức trong sản xuất lúa và mong muốn tiếp tục tham gia mô hình. Theo kế hoạch ở vụ đông xuân tới, xã Phan Hòa sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhân rộng mô hình này, dự kiến gần 14 ha. Địa phương cũng phối hợp với mặt trận và đoàn thể tuyên truyền bà con thực hiện liên kết sản xuất lúa thông minh, giảm phát thải…

Điều này cũng được ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận nhấn mạnh thêm: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 17.700 ha sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao nhiệm vụ triển khai nhân rộng những mô hình mới, có hiệu quả đến các hộ dân, hợp tác xã. Mục đích từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trong sản xuất lúa. Song song, chuyển tải thông điệp tìm kiếm những giá trị mới thích ứng với tăng trưởng xanh, tuần hoàn và phát thải thấp, mang lại lợi nhuận, thu nhập cao cho nông dân. Đây còn là cơ hội nâng cao vị thế, giá trị và thương hiệu lúa gạo Bình Thuận trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Thành quả hôm nay đồng bào Chăm Phan Hòa có được, khiến tôi lại nhớ về khoảng thời gian hơn 3 tháng trước. Khi ấy là thời điểm bà con được cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng hướng dẫn làm đất, sạ lúa, cách ghi nhật ký điện tử, cách đo lượng nước “ướt khô xen kẽ”. Họ cùng ngước nhìn lên bầu trời, xem trình diễn máy bay phun thuốc không người lái trên cánh đồng và cùng kỳ vọng…

“Trồng lúa giảm phát thải với “1 phải, 6 giảm” có khó không chị?” – tôi hỏi chị Oanh khi đứng giữa cánh đồng lúa mới Hương Châu 6 và NVP 79 vào ngày thu hoạch. “Dễ lắm! Chỉ cần nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn là hiệu quả ngay”.

GHI CHÉP: KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Liên kết sản xuất lúa, tạo sản phẩm gạo chất lượng cao
Trong thời gian qua, huyện Tánh Linh đã đẩy mạnh nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế tập thể nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Nổi bật trong các chương trình là việc tổ chức liên kết sản xuất trong cây lúa, nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP và thương hiệu “Gạo Tánh Linh”.
Nổi bật
 9.620 tỷ đồng đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Phan Thiết
BTO-Dự án tuyến đường ven biển qua địa bàn TP. Phan Thiết và cầu vượt sông Cà Ty, Phú Hài vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh công bố phương án sơ bộ. Với chiều dài gần 15 km và tổng mức đầu tư 9.620 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng tạo bước ngoặt cho hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi đồng bào Chăm canh tác lúa “thông minh”