Trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm rất cần thiết và quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình) với mục tiêu là: Thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống… Vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong những năm qua cũng được tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo. Theo đó nhiều địa phương của tỉnh đã đầu tư các xe thu gom rác thải để mở rộng việc thu gom rác ở các tuyến đường, cùng với đó vận động người dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường như xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc. Những tuyến đường chính đông dân cư của xã được thực hiện việc thu gom rác hàng tuần. Còn ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc vấn đề môi trường được địa phương hướng tới giải quyết triệt để, để diện mạo nông thôn của xã ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn.
Phải khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được các cấp đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể quan tâm. Từ đó đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng được các sở, ngành và địa phương quan tâm, trong đó đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc cấp nước sạch nông thôn cũng được tỉnh quan tâm đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình cấp nước khu vực nông thôn. Theo đó, toàn tỉnh đưa vào sử dụng 60 công trình cấp nước khu vực nông thôn với 65 công trình cấp nước toàn tỉnh, với tổng công suất thiết kế 64.265 m3/ngày, đêm. Có trên 98,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh và có 62,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 90% số hộ tại các xã thuần và thôn xen ghép được sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước.
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước. Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại. Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả, hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu gom, lưu trữ và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đảm bảo không phát tán ra môi trường. Hoàn thiện công nghệ và xây dựng các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng thành chất thải thông thường. Hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, xử lý ô nhiễm các khu vực làng nghề đã bị ô nhiễm nghiêm trọng sau khi di dời cơ sở sản xuất. Các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ được phê duyệt. Hỗ trợ xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm quy mô cấp huyện, liên huyện, cấp tỉnh đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đồng thời chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về các tác động của môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch đến sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất…