Theo dõi trên

Bất an với thực phẩm tự phát, nhà làm dịp Tết Nguyên đán

11/01/2023, 16:45

Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường thực phẩm sôi động nhất trong năm. Đây cũng là lúc mối lo về mất an toàn thực phẩm tăng cao.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các điểm bán tự phát và thực phẩm nhà làm vẫn chưa thể kiểm soát, gây lo ngại về mất an toàn.

Nhiều nguy cơ từ thực phẩm bán tự phát

kiemtrathuphamte.jpg

Các đoàn thanh tra tập trung kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết. 

Tết năm nay, chị Trần Bích Thảo (ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định bán hạt điều, thịt bò khô từ quê nội Bình Phước và mứt dừa, mứt tắc từ quê ngoại Bến Tre gửi lên. Chỉ sau 1 tháng đăng trên mạng xã hội, chị Thảo đã bán được 1 tạ hạt điều, 50 kg bò khô, 50 kg mứt các loại. Trước Tết 2 tuần, chị đã phải thông báo ngưng nhận đơn do người nhà không kịp sản xuất. Chị Thảo cam kết, các sản phẩm chị bán đều do người thân tự chế biến, không chất bảo quản độc hại, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Bán hàng đặc sản nhà làm, hay còn gọi là thực phẩm handmade là trào lưu những năm gần đây và ngày càng được ưa chuộng. Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, hầu hết các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới dạng thực phẩm nhà làm thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Việc mua bán chủ yếu dựa vào niềm tin. Đến nay, các cơ quan quản lý vẫn khó kiểm soát hoạt động này.

Theo ông Lê Minh Hải, dù được đảm bảo bằng uy tín cá nhân nhưng nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm nhà làm vẫn có thể xảy ra. Bởi vì sự không ổn định về chất lượng giữa các lần sản xuất do nguyên liệu đầu vào, phụ gia sử dụng không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng, không có quy trình sản xuất cụ thể. Tiếp đó là phương tiện chế biến, bảo quản không được kiểm soát. Chất lượng nguyên liệu đầu vào và thành phẩm không được kiểm tra, giám sát định kỳ… Vì vậy, hình thức kinh doanh thực phẩm nhà làm qua mạng xã hội tiềm ẩn các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, là mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cùng với thực phẩm nhà làm, thực phẩm bán ở các điểm tự phát ngày càng nở rộ trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Ngay tại 3 chợ đầu mối lớn của Thành phố Hồ Chí Minh (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) đều có hàng trăm điểm bán “ăn theo” buôn bán nhộn nhịp. Thậm chí, gần Tết Nguyên đán, nhiều loại thực phẩm như: bánh, mứt, nước giải khát sẽ “đổ bộ” xuống lề đường, vỉa hè.

Trong quá trình kiểm tra, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, trong các chợ, đơn vị đã phối hợp cùng Ban Quản lý chợ kiểm tra, giám sát thường xuyên chất lượng thực phẩm về chợ mỗi ngày; trong đó, các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm đều phải rõ ràng. Tuy nhiên, đối với các điểm bán tự phát, lực lượng chức năng không thể kiểm soát được.

Lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố thừa nhận, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, các điểm bán tự phát mọc lên như “nấm sau mưa”. Đến nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp xử lý. Vấn đề này không thể giải quyết được chỉ với một đơn vị riêng lẻ. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề xuất, UBND Thành phố yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Siết chặt kiểm soát thực phẩm cuối năm

Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo thực phẩm lưu thông trên thị trường an toàn, ngay từ tháng 12/2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn. Lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… cùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, nỗ lực tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn, đến nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã kết nối được với 15 tỉnh, thành khu vực phía Nam lập ra các chuỗi thực phẩm an toàn nhằm cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người dân địa phương, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay, kinh tế của nhiều người dân khó khăn dẫn đến xu hướng chọn mua thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc tại những điểm bán tự phát là điều khó tránh khỏi. Điều này gây ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ xảy ra các sự cố liên quan đến thực phẩm. Do vậy, người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết, mua hàng ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân.

Nhanh chóng công bố thông tin cơ sở vi phạm về ATTP đến người tiêu dùng

Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nhằm bảo đảm bảo sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội xuân năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này.

Trong đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì đoàn kiểm tra số 1 tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Hà Nam.

Vừa trở về từ chuyến công tác tại hai địa phương, thông tin với phóng viên VOV2, bà Trần Việt Nga cho biết, công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn thực phẩm cho dịp Tết ở hai địa phương tương đối tốt. Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của hai tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyến huyện, tuyến xã tiến hành triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

Qua trực tiếp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh, bà Trần Việt Nga đánh giá, cơ bản các cơ sở đã có ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong đợt này.

"Đây là một tín hiệu tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết. Nếu như các địa phương khác cũng triển khai được như thế thì tôi cho rằng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được cải thiện”, Bà Trần Việt Nga nói.

nga.jpg

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết được triển khai đồng bộ từ TW đến xã, phường

Trong năm qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm đã giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm với hậu quả tương đối lớn như, ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trường học. Đặc biệt, càng gần Tết thì số bệnh nhân ngộ độc rượu lại có xu hướng gia tăng. Do đó, các tỉnh thành như Hà Nam, Bắc Ninh cũng đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm ngăn chặn các vụ rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp bán ra thị trường.

Bà Trần Việt Nga cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, nếu phát hiện các vi phạm sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, danh tính, địa chỉ các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ công bố công khai trên website của Cục An toàn thực phẩm để người tiêu dùng nắm được. Với các địa phương sẽ công bố công khai trên hệ thống thông tin của xã phường. Ở cấp trung ương sẽ đăng tải trên các website của Bộ, ngành.

“Quan điểm của Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm, các đoàn đi thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải lấy mẫu và kiểm nghiệm ngay để nhanh chóng có kết quả và thông tin đến người tiêu dùng sớm nhất. Đảm bảo trước Tết các thông tin về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm phải được công khai để người tiêu dùng biết”, bà Trần Việt Nga nhấn mạnh.

Để người dân đón Tết an vui, bớt nỗi lo về an toàn thực phẩm

Với dân số hơn 10 triệu người, Hà Nội là một trong những địa bàn tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhất là trong dịp Tết. Theo bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, để người tiêu dùng bớt nỗi lo về thực phẩm không an toàn, thành phố đã thành lập 676 đoàn kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm.

nga_2_1.jpg

UBND TPHà Nội thành lập 676 đoàn đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết.

“Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mà vi phạm về an toàn thực phẩm thì phải xử lý nghiêm như, xử phạt hành chính hoặc thu hồi, tiêu hủy và có thể chuyển các cơ quan có thẩm quyền điều tra và xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật”, bà Trần Thị Phương Lan nói.

Cũng theo bà Phương Lan, do nhu cầu thị trường tăng cao có thể gây ra các biến động về giá, vì vậy, thành phố đã huy động nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá với gần 20.000 điểm bán hàng phục vụ người dân trong dịp Tết.

Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung-cầu với 53 tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm có chất lượng cao cũng như đặc sản của các vùng miền vào hệ thống siêu thị và các điểm bán hàng OCOP, giúp nhân dân Thủ đô có thêm sự lựa chọn và mua sắm được các loại thực phẩm an toàn trong dịp Tết.

Nhằm tránh mua phải thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, bà Trần Thị Phương Lan cũng hướng dẫn người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm tại các siêu thị hay hệ thống bán lẻ có thương hiệu, uy tín. Nếu mua thực phẩm tại chợ dân sinh nên chọn những quầy hàng đã có được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Đồng thời, nên đọc kỹ nhãn mác hàng hóa hoặc quan sát kỹ, kiểm tra chất lượng bằng cảm quan đối với thực phẩm tươi sống trước khi mua.

H LAN (TỔNG HỢP)


(3) Bình luận
Bài liên quan
Xuất khẩu nông lâm thủy sản thiết lập kỷ lục mới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 11/2021 ước đem về 4,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng 11 tháng lên 43,48 tỷ USD, đã vượt qua cả năm 2020 và lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay…
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất an với thực phẩm tự phát, nhà làm dịp Tết Nguyên đán