Theo dõi trên

Bất cập đô thị hóa vùng ven Phan Thiết

06/06/2018, 08:58

BT- 10 năm trở lại đây, các khu dân cư mới liên tiếp mọc lên ở khu vực vùng ven TP. Phan Thiết.    

Hệ lụy khu dân cư tự phát

Nhiều năm qua, việc phân lô, bán nền ồ ạt ở xã Phong Nẫm (TP Phan Thiết) đã tạo ra những khu dân cư “vùng trũng”, thiếu trầm trọng về cơ sở hạ tầng. Đơn cử, khu dân cư tự phát giáp ranh tuyến kênh thoát lũ Hàm Liêm, thuộc thôn Xuân Phú – xã Phong Nẫm. Quan sát cho thấy, đường giao thông sơ sài, không có hệ thống thoát nước, không có hệ thống điện lưới, nhà cửa mọc lên ngang dọc, nước thải lênh láng trong khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Phương ở khu dân cư tự phát cho biết: Với đồng lương ít ỏi, gia đình buộc phải bấm bụng xây nhà tại đây. Chị còn nhớ, mùa mưa năm ngoái, khu dân cư bị ngập nước, đường giao thông hư hỏng nặng vì nằm sát con kênh thoát lũ, khiến việc sinh hoạt của chị và hàng xóm gặp nhiều trở ngại. Được biết, chủ đầu tư của khu dân cư tự phát này đã hoàn thiện việc phân lô, bán nền hồi năm 2013. Trong quá trình tách sổ, chuyển nhượng, chủ đầu tư hứa sẽ làm hạ tầng giao thông, điện, nước đầy đủ ngay sau đó nhưng đến nay đã “mất hút”!

                
   Khu dân cư tự phát ở Phong Nẫm.

Không chỉ vậy, anh Phạm Đình Tân – ở khu dân cư tự phát giáp ranh tuyến kênh thoát lũ Hàm Liêm và các hộ dân nơi đây, khi làm nhà ở đều không được ngành chức năng cấp giấy phép xây dựng chính thức. Thay vào đó là giấy phép xây dựng tạm, dù đất của anh Tân là đất thổ cư. Không chỉ anh Tân, chị Phương, hàng chục hộ có nhà trên đất thổ cư nằm trong vùng sản xuất thanh long tập trung 75 ha ở xã Phong Nẫm đều rơi vào tình trạng tương tự. Lý giải điều này, đại diện Phòng Quản lý đô thị Phan Thiết cho biết khu dân cư tự phát này chưa điều chỉnh quy hoạch sang đất ở kết hợp nhà vườn, mà đang vướng quy hoạch vùng sản xuất thanh long tập trung với diện tích 75 ha. Đây chính là hệ lụy của việc chồng chéo trong quy hoạch đất đai. Thực trạng này rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị Phan Thiết. 

Tràn lan phân lô, bán nền

Với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 450 ha, 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở Phong Nẫm có đất nông nghiệp đã tranh thủ chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đáng chú ý, một số đại gia bất động sản cũng tập trung về đây “gom” đất với diện tích khá lớn, sau đó tiến hành phân lô, bán nền. Lúc ấy, giá 1.000 m2 đất nông nghiệp được bán cho những đại gia bất động sản khoảng 500 – 700 triệu đồng. Sau khi chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, chủ đầu tư tiến hành tách sổ đỏ riêng và bán mỗi lô khoảng 200 – 350 triệu đồng. Đơn cử ở thôn Xuân Phú có khoảng 75 ha đất quy hoạch vùng sản xuất thanh long tập trung, nhưng hiện tại phần lớn đã bị “xẻ thịt” phân lô, bán nền. Các khu đất nền ở xã Phong Nẫm nhìn chung có giá bán khá mềm so các khu vực khác. Đó là cơ hội để người thu nhập thấp sở hữu một mảnh đất thổ cư và xây nhà ở mong an cư lạc nghiệp. Các chủ đầu tư cho biết, việc mua đất, chuyển đổi mục đích và phân lô, bán nền ở vùng ven không có gì trở ngại bởi mọi thứ diễn ra đúng trình tự pháp luật. Ở Phan Thiết, việc ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó phân lô, bán nền không chỉ diễn ra ở xã Phong Nẫm mà các xã vùng ven khác như Tiến Lợi và Thiện Nghiệp cũng tương tự.  

Chồng chéo quy hoạch

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phan Thiết cho biết: Theo quy hoạch các nhóm đất chính từ năm 2011 đến năm 2020 của xã Phong Nẫm, diện tích đất nông nghiệp được điều chỉnh giảm xuống khoảng 100 ha, đất phi nông nghiệp (chủ yếu là đất ở) điều chỉnh tăng lên trên 350 ha. Tức là chủ động mở rộng diện tích đất ở, thu hẹp dần đất nông nghiệp để phù hợp với quá trình đô thị hóa. Còn trong quy hoạch sử dụng đất tại xã Phong Nẫm, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng ưu tiên cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở kết hợp nhà vườn. Như vậy việc phân lô, bán nền, chuyển đổi mục đích sử dụng đất như đã nêu tại xã Phong Nẫm cơ bản phù hợp quy hoạch sử dụng đất của TP. Phan Thiết. Tuy nhiên, theo quy hoạch nông thôn mới đến năm 2020 do xã Phong Nẫm và Phòng Quản lý đô thị thành phố thẩm định, Phong Nẫm vẫn còn 75 ha đất nông nghiệp dành cho vùng sản xuất thanh long tập trung, chủ yếu tập trung ở thôn Xuân Phú – giáp ranh xã Hàm Liêm và Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc). Nhưng thực tế nhiều năm qua, 75 ha này đã biến động mạnh bởi quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng và phân lô, bán nền hình thành khu dân cư tự phát. Điều đó cho thấy, thời gian qua, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch nông thôn mới tại Phong Nẫm đang bị chồng chéo, mâu thuẫn.

Để việc quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, giải quyết nhu cầu của người dân trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở được thuận lợi, TP. Phan Thiết đang gấp rút điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn các xã, trong đó có Phong Nẫm. Đại diện lãnh đạo TP. Phan Thiết cho biết: Để công tác điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới nhanh chóng hoàn tất, UBND thành phố đã yêu cầu các xã tập trung cập nhật các khu dân cư tự phát tại xã Phong Nẫm, Tiến Lợi để thực hiện quy hoạch về đấu nối hạ tầng kỹ thuật, nếu không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng thì phải điều chỉnh lại, hạn chế sự xáo trộn. Đầu năm 2018, thành phố cũng đã có cuộc họp bàn về quy hoạch nông thôn mới ở các xã vùng ven để tiến tới xóa bỏ các bất cập trong quản lý đất đai, xây dựng. Cùng với Sở Xây dựng, lãnh đạo thành phố sẽ có điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới để không làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024
Chiều 18/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra phiên trù bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh lần thứ IV, năm 2024. Tham dự có bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dự; ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và 250 đại biểu chính thức.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất cập đô thị hóa vùng ven Phan Thiết