Theo dõi trên

Bất ổn tại Sri Lanka khiến cạnh tranh địa chính trị Nam Á thêm khốc liệt

11/07/2022, 10:10

Căng thẳng hiện nay không chỉ đẩy Sri Lanka vào bất ổn chính trị kéo dài mà còn có thể khiến cạnh tranh địa chính trị Nam Á thêm khốc liệt, khi cả Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều có ảnh hưởng sâu rộng tại quốc gia này.

Tình hình chính trị tại Sri Lanka đang nóng lên khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Sri Lanka tuyên bố từ chức. Trước đó, hàng nghìn người biểu tình giận dữ đã xông vào tư dinh của Tổng thống, buộc nhà lãnh đạo Sri Lanka phải đi lánh nạn. Tình trạng căng thẳng hiện nay đã buộc Quốc hội Sri Lanka phải chỉ định Tổng thống tạm quyền trong vòng 7 ngày, tức là ngay trong tuần tới.

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka

Ngày thứ Bảy (9/7) có thể được coi là một ngày đầy biến động của đất nước Sri Lanka và có thể quyết định tương lai của đảo quốc Ấn Độ Dương này. Trong 1 ngày, cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều chấp nhận yêu cầu từ chức từ lãnh đạo các đảng phái trong cả nước. Việc rời bỏ chức vụ này là nhằm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng bất bình trong dân chúng kéo dài đã nhiều tháng qua.

Hình ảnh những người biểu tình tràn vào nơi ở của Tổng thống và Thủ tướng trong ngày 9/7 được coi là đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong xã hội Sri Lanka vào lúc này; và mong muốn của người dân là những nhà lãnh đạo của họ phải từ chức vì đã để xảy ra tình trạng này.

Người dân Sri Lanka bất bình vì tình hình kinh tế xã hội trong nước ngày càng xuống dốc bất chấp những lời hứa của lãnh đạo đất nước. Sri Lanka đang ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập năm 1948. Khó khăn về kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống hàng ngày của từng người dân.

Những con số thống kê vài tháng qua lý giải việc các nhà lãnh đạo Sri Lanka phải từ nhiệm là tất yếu. Trước hết, khối nợ nước ngoài của Sri Lanka đang rất lớn, vào khoảng 51 tỷ USD. Hồi tháng 4, nước này đã tuyên bố dừng trả khoản nợ nước ngoài 7 tỷ USD đáo hạn trong năm nay, trong số 25 tỷ USD đáo hạn vào năm 2026. Điều này có nghĩa Sri Lanka đã được xếp vào diện vỡ nợ. Vấn đề thứ 2 là nước này đang rơi vào cảnh cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry thông báo nước này chỉ còn khoảng 25 triệu USD dự trữ ngoại hối.

Thực tế, Sri Lanka không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu, lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu. Cảnh khan hiếm hàng hóa đang rất phổ biến tại đất nước này. Nếu muốn mua được xăng, người dân phải xếp hàng dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mới có thể mua được nhiên liệu. Đồng tiền mất giá tới 80%, khan hiếm hàng hóa trầm trọng đẩy lạm phát lên cao, chất thêm gánh nặng lên người dân.

Điều trớ trêu là một đất nước nhiệt đới như Sri Lanka vốn chưa từng thiếu thốn lương thực, nhưng người dân ở đây lại phải chịu cảnh thiếu đói. Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc mới đây cho biết, cứ 10 gia đình tại nước này thì 9 gia đình phải bỏ bữa hoặc thiếu ăn. Khoảng 3 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Chính sách kinh tế từ nhiều năm qua được cho là sai lầm trong khi các biện pháp ứng phó của chính phủ với khủng hoảng bị cho là chậm chạp và kém hiệu quả. Điều này càng khiến lòng dân càng thêm bức xúc.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và người anh của ông, cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai đại diện cho gia đình Rajapaksa đầy quyền lực tại Sri Lanka, từng được ca ngợi như những vị anh hùng vì chiến thắng trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE). Nhưng giờ đây họ phải chấp nhận thực tế là đất nước Sri Lanka cần những nhà lãnh đạo mới, đủ năng lực để đưa đất nước vượt qua khó khăn hiện tại.

Những kịch bản có thể xảy ra

Việc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời bỏ chức vụ sẽ diễn ra trong tuần này. Đây là yêu cầu của lãnh đạo các đảng phái tại Sri Lanka đưa ra trong cuộc họp khẩn ngày 9/7 vừa qua. Theo Chủ tịch Quốc hội nước này Yapa Abeywardena, Quốc hội sẽ được triệu tập trong vòng 7 ngày để chỉ định Tổng thống tạm quyền. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết, Chính phủ mới sẽ được thành lập với Thủ tướng mới và sẽ đứng ra tổ chức tổng tuyển cử sau một thời gian nhất định. Trong vòng 30 ngày sau khi Tổng thống đương nhiệm từ chức, Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm nhận vị trí Tổng thống. Việc bầu chọn một nghị sĩ vào vị trí Tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ do Quốc hội đảm nhiệm. Hiện chưa rõ các ứng viên cho vị trí Tổng thống và Thủ tướng tạm quyền cũng như phương án xử lý khủng hoảng của chính quyền mới.

Dù ai sẽ được bầu ra để đảm nhận 2 chiếc ghế nóng là Tổng thống và Thủ tướng, họ cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề rất cấp bách của đất nước Sri Lanka hiện tại. Đó là tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép của đất nước, tái cơ cấu các khoản nợ để nhận được các khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế; đồng thời phải tìm ra biện pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và lạm phát giá hàng hóa đang diễn ra. Dự kiến trong tuần này, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) sẽ tới Sri Lanka để bàn về biện pháp cứu trợ lương thực. Chính phủ Sri Lanka cũng sẽ phải nộp báo cáo về nợ quốc gia cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để làm cơ sở xử lý các khoản cứu trợ mới. Với bối cảnh hiện tại, Sri Lanka chắc chắn sẽ phải cắn răng chịu đựng những điều kiện rất khắc khổ để nhận được các khoản vay mới từ IMF hoặc từ các quốc gia khác.

Dù ai lên nắm quyền trong thời gian tới, đất nước Sri Lanka vẫn sẽ phải đương đầu với những tháng khó khăn phía trước.

Khả năng xoay trục của chính phủ mới ở Sri Lanka

Bất ổn chính trị hiện nay đã và đang đặt Sri Lanka trước những cuộc khủng hoảng mới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận Sri Lanka đang ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực và trong chính sách của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

Ở vào một vị trí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, nhiều năm qua, Sri Lanka luôn nằm trong trọng tâm chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Trung Quốc, Ấn Độ đã và đang dành ra nhiều khoản đầu tư lớn, cũng các ưu đãi về tín dụng nhằm tranh thủ giành ảnh hưởng tại đảo quốc Ấn Độ Dương này. Đáng tiếc là các yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô kéo dài nhiều năm cùng nạn tham nhũng của bộ máy chính quyền đã khiến cho Sri Lanka không thể tận dụng được lợi thế chiến lược đó nhằm tạo ra tăng trưởng cho đất nước. Có thể dự báo rằng, với bối cảnh hiện tại, yếu tố quyết định quan hệ giữa Sri Lanka với các đối tác sẽ nằm ở việc ai sẽ có thể hào phóng cung cấp các khoản cứu trợ mới cho đất nước này.

Hiện tại, Sri Lanka đang trông chờ vào Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, thông qua các định chế tài chính như IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) để tìm ra lối thoát cho mình. Dĩ nhiên, các khoản hỗ trợ sẽ không phải là vô tư mà luôn đi kèm các điều kiện rất ngặt nghèo. Điều đó sẽ quyết định đường hướng chính sách của đảo quốc này. Như thế, đây sẽ là một bài toán hóc búa với chính quyền sắp tới của Sri Lanka. Nhiều khả năng, Sri Lanka sẽ vẫn phải duy trì chính sách đối ngoại cân bằng với các cường quốc để tranh thủ nguồn lực xử lý vấn đề kinh tế trong nước rất cấp bách./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bỏ phiếu bầu Thượng viện Nhật Bản bắt đầu, các đảng cạnh tranh 125 ghế
Bắt đầu từ 7h sáng 10/7 (giờ địa phương), cuộc bỏ phiếu bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần thứ 26 đã diễn ra tại hơn 46.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất ổn tại Sri Lanka khiến cạnh tranh địa chính trị Nam Á thêm khốc liệt