Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã buộc phải tổ chức bầu cử Tổng thống vòng 2 khi hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Erdogan và đối thủ là ông Kilicdaroglu không được quá bán số phiếu bầu.
Chiến thắng “nghẹt thở” của Tổng thống Erdogan
Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc cạnh tranh gay gắt với thủ lĩnh phe đối lập Kemal Kılıçdaroğlu. Theo kết quả sơ bộ, ông Erdogan đã giành được nhiệm kỳ 5 năm mới sau khi giành được 52,87% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, trong khi đối thủ của ông, Kemal Kilicdaroglu, giành được 47,13% sau khi kiểm 99% số phiếu bầu. Ủy ban bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tỷ lệ tham gia vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống lên tới hơn 85%.
Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan đã xuống đường ăn mừng chiến thắng. Đây là một chiến thắng không mấy dễ dàng và khá “nghẹt thở” với đương kim Tổng thống Erdogan và những người ủng hộ ông. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Erdogan đã giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất nhưng cũng chưa vượt quá 50% để chiến thắng và phải chờ tới vòng bỏ phiếu thứ 2. Kể cả ở vòng 2, kết quả sơ bộ cũng cho thấy ông chiến thắng nhưng cũng không tuyệt đối trước đối thủ của mình.
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước trong khu vực, quốc tế cũng rất quan tâm tới cuộc bầu cử này bởi vai trò và ảnh hưởng rất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Điều này có thể thấy rõ trong kết quả bỏ phiếu.
Ngay trong nước, nhiều cử tri không còn ủng ông Erdogan và chính sách mà ông đưa ra bởi những năm qua Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đời sống của người dân khó khăn, lạm phát tăng cao nhất trong 24 năm, đạt 85% vào năm ngoái và đồng lira đã giảm giá trị xuống còn 1/10 so với đồng USD trong thập kỷ qua; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn; người tị nạn gia tăng, nhất là người Syria; an ninh và khủng bố trở thành mối đe dọa và thách thức hiện hữu hơn… Chính vì thế, uy tín của ông Erdogan đã bị giảm sút.
Trên trường quốc tế, ông Erdogan cũng không được sự ủng hộ của phương Tây và Mỹ. Việc ông Erdogan quyết định mua hệ thống phòng không của Nga hay phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan cũng làm gia tăng một số căng thẳng.
Tuy nhiên, đa số cử tri vẫn lựa chọn ông để chèo lái đất nước, trước hết là khẳng định vị thế, sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực luôn nóng bỏng, xung đột và giao tranh, thứ hai là vượt qua khủng hoảng kinh tế, thứ ba là thực hiện các lời hứa về tái thiết và đảm bảo cuộc sống, chỗ ở cho hàng triệu người bị mất nhà cửa trong trận động đất hồi tháng 2 vừa qua.
Thách thức của Tổng thống Erdogan
Ông Erdogan sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài. Về đối nội, vấn đề kinh tế sẽ là khó khăn và thách thức lớn với chính quyền của ông Erdogan. Tình trạng suy thoái kinh tế vốn đã gây thiệt hại lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục, trong đó giá của đồng lira xuống mức chưa từng có và đạt mức 20 lira đổi một USD vào tuần trước, bên cạnh dự trữ ngoại hối bị xói mòn và lạm phát gia tăng.
Với việc không thể tăng xuất khẩu, sự tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài do lo ngại về sự bất ổn trên thị trường và việc quản lý hồ sơ nền kinh tế… sẽ là thách thức hiện hữu với chính quyền của ông Erdogan. Đồng lira giảm 80% trong vòng 5 năm qua, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát và làm sụp đổ niềm tin của người Thổ Nhĩ Kỳ vào đồng tiền này. Giới phân tích cũng cảnh báo chiến thắng của ông Erdogan sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn và gây khó khăn cho việc huy động vốn thông qua đầu tư nước ngoài và một thảm họa kinh tế thực sự sẽ xảy ra. Trước bầu cử ông Erdogan đã tuyên bố tăng gấp đôi mức lương tối thiểu và cũng sẽ cho phép hơn hai triệu công nhân nghỉ hưu sớm. Đó cũng là một thách thức về nguồn tiền để chi trả và cải thiện mức sống cho người dân.
Về đối ngoại, ông Erdogan cáo buộc phương Tây ủng hộ đối thủ của ông và không muốn ông tiếp tục lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc dưới thời ông Erdogan, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây sẽ bế tắc nếu như không muốn nói là đối chọi, cũng như khó nồng ấm với Mỹ.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gia nhập Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của họ, vì khối này không hài lòng với điều mà họ cho là chủ nghĩa độc đoán ngày càng tăng của ông Erdogan.
Thứ ba, đối với Syria, con đường bình thường hóa có vẻ khó khăn và sẽ mất nhiều thời gian liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi miền Bắc Syria. Ông Erdogan không chấp nhận vấn đề rút quân hoàn toàn hoặc rút khỏi miền bắc Syria. Đây sẽ là vấn đề nóng của khu vực thời gian tới.
Dư luận khu vực về chiến thắng của ông Erdogan
Dù mới có kết quả sơ bộ, nhưng nhiều lãnh đạo và người đứng đầu các nước Arab, Nga, Iran và các tổ chức trong khu vực đã chúc mừng ông Erdogan. Điều đó cho thấy sự quan tâm của khu vực và quốc tế đối với cuộc bầu cử nói chung và với ông Erdogan nói riêng. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong khu vực thời gian qua có nhiều cải thiện. Trước bầu cử, ông Erdogan đã tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực nếu thắng cử.
Chính vì thế, những nỗ lực và quan hệ đã đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước Arab, Syria, khu vực vùng Vịnh, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ được tiếp tục. Các nước vùng Vịnh đã hỗ trợ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và gửi tiền hỗ trợ nhằm góp phần giảm bớt áp lực lên ngân hàng Trung ương và thị trường đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Điều đó cho thấy, quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của các quốc gia này và ông Erdogan sẽ tốt đẹp hơn.
Ông Erdogan cũng nhấn mạnh, Ai Cập là một quốc gia anh em giống như các nước vùng Vịnh và quan hệ với nước này sẽ phát triển vượt bậc. Vấn đề Syria cũng được dư luận quan tâm. Chính vì thế việc ông Erdogan dù là người cứng rắn và mạnh mẽ vẫn được Nga, Iran và các nước trong khu vực ủng hộ, nhất là liên quan tới các vấn đề Syria. Ông Erdogan vẫn cho phép người tị nạn tiếp tục ở Thổ Nhĩ Kỳ và hồi hương theo lộ trình dù hàng triệu người này đang là gánh nặng đối với an ninh và kinh tế nước này.