Theo dõi trên

Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ gia tăng, phòng bệnh từ cộng đồng

13/06/2023, 05:35

Mới đây, Bộ Y tế phát đi cảnh báo bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh tay chân miệng nặng, một số trường hợp mắc bệnh nặng được ghi nhận và có ca tử vong.

benh-tay-chan-mieng-anh-minh-hoa.jpg
Bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa)

Lo ngại bệnh gia tăng

Theo Bộ Y tế, thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng; trong đó đã có 3 trường hợp tử vong. Các tuần gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh tay chân miệng nặng, một số trường hợp mắc bệnh nặng được ghi nhận.

Thông qua 1 số kênh truyền thông chính thống, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh lo ngại bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Dự báo, sự gia tăng bệnh này dẫn tới nguy cơ thiếu thuốc điều trị tay chân miệng ở mức độ nặng.

Tại Bình Thuận, toàn tỉnh có 33 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Cụ thể, ca mắc ghi nhận tại Phan Thiết 8 ca, Bắc Bình 2 ca, Hàm Thuận Bắc 9 ca, Hàm Thuận Nam 5 ca, La Gi 2 ca, Đức Linh 3 ca, Tánh Linh 4 ca; trong đó, Hàm Thuận Bắc và Phan Thiết có số ca mắc bệnh cao tại tỉnh. Thông qua số liệu cho thấy, số ca mắc bệnh này của toàn tỉnh không cao, nằm rải rác ở 7 huyện, thị, thành phố. 3 huyện chưa ghi nhận ca mắc là Tuy Phong, Phú Quý và Hàm Tân.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc, 99% số ca bệnh tay chân miệng trong thời gian qua tại Hàm Thuận Bắc đều ở thể nhẹ, được điều trị theo triệu chứng; không có ca bệnh nặng. Số ca mắc cũng nằm rải rác trong cộng đồng. Nếu có ca bệnh nặng xuất hiện, thì bệnh nhân nặng sẽ được chuyển lên tuyến trên.

Tăng cường phòng bệnh

Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng nhanh, Bộ Y tế vừa có Văn bản 3463 yêu cầu UBND các tỉnh, thành tăng cường phòng chống tay chân miệng, cần tập trung phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Trong đó, các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh này, đảm bảo việc rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Thực hiện vệ sinh môi trường, lớp học, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Được biết, tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 10 tuổi. Hiện bệnh này chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ tránh mắc bệnh là chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh việc ăn uống sạch, các phụ huynh phải vệ sinh đồ chơi của trẻ, tay nắm cửa, các mặt phẳng, sàn nhà, mặt bàn… để phòng bệnh cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng
BTO - Đó là yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận tại Văn bản 2319 vừa được ban hành.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ gia tăng, phòng bệnh từ cộng đồng